Đà Nẵng: Lực lượng phản ứng nhanh PCCCR tại địa phương đề xuất tăng mức hỗ trợ

BVR&MT –  Đội Phản ứng nhanh PCCC rừng tại các khu vực rừng thành phố Đà Nẵng là lực lượng người dân tại địa phương tham gia trực tiếp trong công tác phòng cháy và chữa cháy rừng tại địa phương. Khi phát hiện đám cháy họ thông báo kịp thời cho lực lượng kiểm lâm tại các hạt kiểm lâm quản lý rừng trực thuộc, đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng như kiểm lâm, bộ đội, công an… tham gia chữa cháy rừng khi có cháy.

Lực lượng chức năng đang tiến hành dập tắt đám cháy trên rừng Hải Vân thuộc quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng.

Theo ông Phan Thế Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng: Trong ba năm gần đây, Chi cục Kiểm lâm TP. Đà Nẵng đã thành lập đội Phản ứng nhanh PCCC Rừng tại các khu vực rừng thành phố Đà Nẵng. Nhờ có lực lượng này công tác PCCCR tại Đà Nẵng thêm hiệu quả trong việc việc phát hiện ngăn ngừa và dập tắt các đám cháy kịp thời ngăn tình trạng cháy lan ra diện tích lớn. Tuy nhiên với mức kinh phí hỗ trợ bồi dưỡng cho lực lượng này hiện nay là 1.000.000 đồng/tháng vẫn còn rất thấp.

Theo báo cáo Tại Hội nghị Tổng kết công tác quản lý Bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 được tổ chức ngay 11/4 tại quận Liên Chiểu, Đội phản ứng nhanh PCCC Rừng quận Liên Chiểu là những những người được cấp lãnh đạo tin tưởng trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Đại diện đơn vị cho biết, chúng tôi rất vinh dự được góp phần vào công tác bảo vệ rừng tại địa phương nhằm bảo vệ môi trường sống cũng như bảo vệ cho chính tài sản của gia đình, bà con địa phương. Chứng kiến và tham gia chữa cháy rừng nhiều vụ trên địa bàn, chúng tôi biết rằng tác hại của cháy rừng là vô cùng ghê gớm, nó hủy hoại môi trường, hủy hoại tài sản tài sản cây trồng của người dân là kết quả của bao nhiều tiền của công sức đầu tư của họ chỉ trong chốc lát. Trong nắng nóng có được bóng mát để nghỉ chân chúng ta mới thấy được giá trị của rừng cây. Vì vậy chúng tôi rất tích cực sẵn sàng tham gia vào lực lượng chữa cháy rừng tại địa phương.

Vào các ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật nắng nóng cao điểm dự  báo nguy cơ cháy rừng cấp bốn, cấp năm thì theo điều động của Lãnh đạo Hạt kiểm lâm, anh em phản ứng nhanh cũng luân phiên tham gia trực phòng cháy chữa cháy rừng tại cơ quan Hạt để sẵn sàng tham gia cứu chữa ngay từ ban đầu khi có cháy rừng xảy ra.

Khi có cháy xảy ra theo huy động của lãnh đạo Hạt kiểm lâm, anh em tập trung mang dụng cụ phương tiện chữa cháy là: cưa xăng, rựa phát, máy thổi gió, máy phun nước đến hiện trường để tham gia chữa cháy và chấp hành theo ý kiến chỉ đạo chỉ huy chữa cháy của Lãnh đạo Hạt kiểm lâm.

Tuy nhiên hiện nay với mức kinh phí hỗ trợ bồi dưỡng là 1.000.000 đồng/tháng theo họ là còn rất thấp, khi lực lượng này chủ yếu đi lại bằng xe máy cá nhân với chi phí xăng tự lo và phải linh hoạt di chuyển vào rừng khi có cháy, và khi chữa cháy xong cũng chưa được bồi dưỡng công lao động chữa cháy.

Một vấn đề nữa được lực lượng Phản ứng nhanh PCCCR đề cập là cần được tiếp tế nước uống. Theo họ, khi được huy động chữa cháy, hầu hết anh em trong lực lượng phản ứng nhanh chữa cháy rừng có chuẩn bị nước uống nhưng có hạn chế nên thường không đủ để uống và thường hết nước giữa chừng lúc chữa cháy rừng.

Thường khi lao vào dập lửa do rất nóng nên họ mau chóng đổ mồ hôi và bị khát nước; nếu không có nước uống thì họ mau chóng kiệt sức và không thể tham gia dập lửa được dù đã lên đến đám cháy; Vì vậy rất cần có người tiếp tế mang nước đến hiện trường cho lực lượng trực tiếp dập lửa để bảo đảm khả năng tham gia hiệu quả và việc chữa cháy của lực lượng chữa cháy đang có mặt tại chỗ. Khi thời gian chữa cháy kéo dài trên 3,4 giờ thì cũng cần có tiếp tế thức ăn nhanh cho anh em để đảm bảo sức lực tham gia chữa cháy.

Trong năm 2023, trên địa bàn quận Liên Chiểu đã xảy ra hai vụ cháy rừng: Ngày 19/4/2023 tại tiểu khu 16 núi kẽm, hầm vàng, cháy rừng với diện tích khoảng 5000 m2; Ngày 26/7/2023, một vụ cháy rừng xảy ra tại tiểu khu 4A rừng Hải Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) với diện tích khoảng 7000 m2 (cháy chủ yếu là cây bụi và cây tái sinh, không có thiệt hại về rừng).

Hồng Sơn