BVR&MT – Ở huyện vùng cao biên thùy Tương Dương (tỉnh Nghệ An) vừa qua đã có hơn 500 hộ gia đình, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Trong đó, xã Hữu Khuông thuộc vùng đặc biệt khó khăn có nhiều hộ “trả sổ” hộ nghèo nhất huyện, với 218 hộ.
Gia đình ông Mộng Văn Hoàn, ở bản Xiêng Hương, xã Hữu Khuông vốn là một hộ nghèo “kinh niên”. Gia cảnh ông đã túng thiếu, càng khó khăn hơn khi bị trận lũ lớn năm 2018 cuốn trôi hết hoa màu trong ruộng vườn, gia súc trong chuồng.
Nhờ sự giúp đỡ của địa phương, gia đình ông được vay 2 lần vốn tín dụng chính sách hơn 70 triệu đồng để mua bò sinh sản, lợn nái về nuôi và cải tạo biến đồi hoang thành ruộng vườn trồng ngô lai, đậu đỏ, rau xanh. Đồng vốn vay đã sinh sôi cho mùa nối mùa bội thu, gia súc gia cầm phát triển thành đàn béo khỏe. “Vào đầu năm ngoái thấy kinh tế của gia đình khấm khá, tôi mới bàn bạc với vợ con quyết viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, nhưng vẫn phấn đấu sản xuất và làm giàu bằng chính sức lao động của mình” ông Hoàn tâm sự.
Còn chị Trương Thị Nhung, ở Diễn Trường, Diễn Châu, đã sử dụng toàn bộ số tiền vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), tiền tiết kiệm của gia đình, đồng thời huy động hàng chục nhân công dốc sức lực đào ao nuôi cá nước lợ, san phẳng đồi cát nuôi tôm thẻ chân trắng, thu lời cả trăm triệu đồng mỗi vụ. Vào một ngày hè nóng bỏng giữa mùa đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại, chị Nhung chẳng ngại ngần ra Điểm giao dịch của NHCSXH trả hết nợ vay trước kỳ hạn, rồi lên UBND xã nộp đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Chị Nhung chia sẻ: “Biết rằng việc làm này đồng nghĩa với việc mất đi sự hỗ trợ của Nhà nước, nhưng gia đình mình đã nhờ có NHCSXH làm “bà đỡ” mới gây dựng được cơ ngơi giá trị tiền tỷ, nay sẵn sàng nhường nhịn quyền hưởng lợi cho bà con làng xóm còn nghèo khó”.
Chuyện viết đơn tự nguyện xin thoát nghèo giờ đây đã lan tỏa thành phong trào sôi nổi, rộng khắp các huyện, các xã, trên miền ngược, dưới miền xuôi ở Nghệ An. Tính đến giữa năm 2021, toàn tỉnh có khoảng 7.200 hộ tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, chấm dứt tư tưởng trông chờ ỷ lại vào chính sách “cho không, cấp không” của Nhà nước.
Có phong trào này là cả sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và tinh thần tự nguyện của bản thân các hộ nghèo nơi miền quê xứ Nghệ, trong đó, NHCSXH đóng vai trò động lực mạnh mẽ thúc đẩy trong xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững.
Ông Trần Khắc Hùng, Giám đốc NHCSXH Nghệ An cho biết: Liên tục gần 20 năm qua, đơn vị đã bám sát các chính sách, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo, trong đó có Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của ngân hàng cấp trên, của lãnh đạo địa phương để tham mưu kịp thời cho các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể quan tâm bố trí, bổ sung nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang cho NHCSXH. Mặt khác, chi nhánh luôn tranh thủ tối đa nguồn vốn của trung ương, đẩy mạnh huy động vốn nhàn rỗi từ các tổ chức, cá nhân, từ tiết kiệm dân cư, kể cả từ nguồn tiền tiết kiệm của chính hộ nghèo và các đối tượng chính sách nên đã cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Tính đến 30/6/2021, tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH tỉnh Nghệ An đạt 9.643 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách địa phương ủy thác là 213 tỷ đồng, tăng 28 tỷ đồng so với đầu năm 2020. Đáng kể đến NHCSXH các huyện Nam Đàn, Diễn Châu, Con Cuông, Đô Lương, Quế Phong… đã cố gắng cao độ thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tạo bước đột phá về công tác huy động vốn từ các cấp chính quyền, đoàn thể, nhân dân tại địa bàn và từ các doanh nghiệp ngoài tỉnh, vượt kế hoạch cả năm 2021.
Nguồn vốn chính sách được Trung ương cấp, được địa phương ủy thác và các ban ngành doanh nghiệp gửi tiết kiệm đã phủ khắp xứ Nghệ – nơi có diện tích rộng lớn nhất nước với 16.500 ha và 21 đơn vị hành chính cấp huyện, 480 đơn vị cấp xã. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2021, tuy bị đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại, việc cho vay vốn chính sách vẫn được duy trì thông suốt, đảm bảo an toàn đến đúng các đối tượng thụ hưởng trên rẻo cao biên giới Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, về trung du đồng bằng Đô Lương, Nam Đàn, Yên Thành, ra vùng biển Diễn Châu, Nghi Lộc, Cửa Lò với số tiền trên 1.000 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, trên chặng đường xây dựng và phát triển, nguồn vốn tín dụng chính sách ở Nghệ An luôn được tạo lập, tăng trưởng và được giải ngân nhanh gọn, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, thực hiện dân chủ công khai, sát với nhu cầu thực tế của vùng nghèo, người nghèo nên đã làm cho bộ mặt nông thôn khởi sắc; mức sống cư dân được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân giảm 2-3%/năm, riêng các huyện nghèo 30a, các xã đặc biệt khó khăn ở vùng dân tộc miền núi, vùng bãi ngang ven biển giảm từ 3-5%.
Sau gần 7 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Đảng, nguồn vốn tín dụng của NHCSXH Nghệ An đã góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo, làm điểm tựa cho nhiều hộ nghèo, gia đình chính sách vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Người nghèo xứ Nghệ đã không ai bị bỏ lại phía sau, đồng thời đang thoát dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, tích cực tham gia phong trào tình nguyện ra khỏi danh sách hộ nghèo.