Chủ tịch Hà Nội yêu cầu khắc phục tồn tại trong phòng cháy, chữa cháy

BVR&MT – Chủ tịch UBND Hà Nội yêu cầu các cấp khắc phục dứt điểm tồn tại, hạn chế trong quản lý và sử dụng điện; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Hiện trường vụ cháy tại cửa hàng kinh doanh xe đạp, xe máy điện ở thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, ngày 19/7 vừa qua. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Ngày 24/8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong quản lý, sử dụng điện trên địa bàn.

Theo thống kê trong 5 năm (từ 2018 đến nay), trên địa bàn thành phố xảy ra 2.647 vụ cháy, nổ làm 77 người chết, 131 người bị thương, thiệt hại về tài sản trên 684 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngày 13/5 vừa qua, hỏa hoạn xảy ra tại hộ gia đình bà Nguyễn Thu Hà, ở số 24 phố Thành Công, tổ dân phố số 8, phường Quang Trung, quận Hà Đông, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng làm 4 người chết.

Nguyên nhân gây ra các vụ cháy có liên quan đến sự cố hệ thống, thiết bị điện luôn chiếm tỷ lệ cao (2.022 vụ/2.631 vụ; chiếm 76,4% tổng số vụ cháy).

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu các cấp khắc phục dứt điểm tồn tại, hạn chế trong quản lý và sử dụng điện; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Trong đó, cơ quan chức năng chú trọng khuyến cáo, cảnh báo an toàn phòng cháy, chữa cháy trong quản lý, sử dụng điện bằng các hình thức dễ hiểu, dễ tiếp cận để người dân và doanh nghiệp dễ nhớ, dễ thực hiện như tuyên truyền qua SMS, Zalo, Facebook… tuyên truyền trên các trang thông tin điện tử thành phố, báo điện tử, các phương tiện thông tin truyền thông…

Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo Công an thành phố tăng cường hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Công an thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra liên ngành; kịp thời phát hiện những tồn tại, thiếu sót để kiến nghị khắc phục, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm, đặc biệt là vi phạm quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy trong quản lý, sử dụng điện.

Thành phố yêu cầu phải tổ chức điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân các vụ cháy, nổ trên địa bàn, xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân khi để xảy ra cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng trên địa bàn, lĩnh vực quản lý; thông báo cho Sở Công Thương, Tổng Công ty Điện lực thành phố và các đơn vị có liên quan biết đối với các vụ cháy đã kết luận nguyên nhân cháy do điện để có các giải pháp khắc phục và tuyên truyền, khuyến cáo cơ sở, người dân trong quản lý, sử dụng điện.

Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo các ngành tiếp tục làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình việc triển khai thực hiện các công trình điện trọng điểm trên địa bàn; kiểm tra, hướng dẫn Tổng Công ty Điện lực thành phố và các đơn vị có liên quan đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ các dự án, công trình điện trên địa bàn; nghiên cứu, tổng hợp khó khăn, vướng mắc, bất cập của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trong thực tiễn công tác; đặc biệt là những khó khăn vướng mắc liên quan đến đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy trong quản lý, sử dụng điện để tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố báo cáo các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định…

Xử lý dứt điểm công trình chưa nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố giao cho Sở Công Thương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện ngừng, giảm mức cung cấp điện của Tổng Công ty Điện lực thành phố, đặc biệt là các trường hợp vi phạm quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy dẫn đến nguy cơ gây sự cố, mất an toàn nghiêm trọng cho người, thiết bị và hệ thống điện, vi phạm các quy định về an toàn trong sử dụng điện… theo quy định tại Thông tư số 22/2020/TT-BCT ngày 09/9/2020 của Bộ Công Thương.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn trao hỗ trợ gia đình nạn nhân vụ hỏa hoạn hỏa hoạn xảy ra ở phường Thổ Quan, quận Đống Đa, vào rạng sáng 8/7 vừa qua. (Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN)

Sở Xây dựng đôn đốc, hướng dẫn Ủy ban Nhân dân cấp huyện trong việc kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn, đặc biệt là xử lý dứt điểm đối với các công trình xây dựng trái phép, sai phép trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, chờ triển khai dự án, hành lang thoát lũ, hành lang bảo vệ lưới điện… theo đúng chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố.

Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã định kỳ, đột xuất tổ chức kiểm tra các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ của cơ sở, khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là các hành vi vi phạm quy định về an toàn trong quản lý, sử dụng điện trên địa bàn quản lý; tăng cường thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy trong quản lý và sử dụng điện theo quy định của pháp luật.

Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu tập trung xử lý dứt điểm đối với các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy nhưng đã đưa vào hoạt động, công trình xây dựng không phép, trái phép trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, chờ triển khai dự án, hành lang thoát lũ, hành lang bảo vệ lưới điện… Các lực lượng chức năng giám sát chặt chẽ, không để phát sinh cơ sở có vi phạm mới, không để tình trạng cơ sở, công trình đã bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy nhưng vẫn hoạt động…

Tổng Công ty Điện lực thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Ủy ban Nhân dân cấp huyện tổ chức tổng kiểm tra, rà soát việc ký hợp đồng mua bán điện, hiện trạng mục đích sử dụng điện, an toàn sử dụng điện của các khách hàng trên địa bàn; phân loại nhóm khách hàng, lĩnh vực, địa bàn, đối tượng sử dụng nhằm đánh giá các cấp độ rủi ro, nguy hiểm, nguy cơ mất an toàn, kịp thời tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc khách hàng sử dụng điện an toàn./.