Chủ động tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh

BVR&MT – Trong tình hình chung chịu ảnh hưởng tiêu cực từ tác động của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) đã chủ động có giải pháp chuyển nguy cơ thành cơ hội để duy trì sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người lao động. Bên cạnh đó, nhiều DN cũng sẵn sàng chuẩn bị, hoàn thiện kế hoạch kinh doanh nhằm nắm bắt cơ hội khi dịch bệnh chấm dứt.

Sản xuất khẩu trang kháng khuẩn tại Tổng công ty May Ðồng Nai.

Tại Ðồng Nai, Công ty cổ phần Ðồng Xuân Khánh là DN chuyên may áo quần xuất khẩu từ năm 2013. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đến nay, công ty đã chuyển hướng sang sản xuất đồ bảo hộ kháng khuẩn phục vụ nhu cầu của thị trường. Hiện mỗi ngày DN có thể sản xuất từ 4.000 đến 5.000 bộ áo quần bảo hộ kháng khuẩn. Với lợi thế có nguồn nguyên liệu vải không dệt từ đối tác lâu năm, công nhân có tay nghề may mặc cho nên việc sản xuất áo quần bảo hộ kháng khuẩn của công ty diễn ra rất thuận lợi và ổn định. Giám đốc Công ty Ðinh Thị Ngân chia sẻ: Sản phẩm truyền thống của DN là hàng may mặc quần áo để xuất khẩu, đòi hỏi nhiều chi tiết. Trong khi đó, sản xuất áo quần bảo hộ kháng khuẩn ít chi tiết cho nên khi thay đổi mặt hàng cũng không gặp nhiều khó khăn. Hiện sản phẩm của DN làm ra đều được tiêu thụ hết.

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, Tổng công ty May Ðồng Nai đã chuyển đổi một phần năng lực sản xuất từ mặt hàng xuất khẩu áo quần truyền thống sang mặt hàng áo quần bảo hộ, khẩu trang kháng khuẩn để phục vụ cộng đồng. Từ giữa tháng 3-2020, tại Xí nghiệp may 5 của tổng công ty đã chuyển hai dây chuyền sản xuất với 80 công nhân sang sản xuất khẩu trang kháng khuẩn dùng một lần. Bình quân mỗi ngày sản xuất được khoảng 40 nghìn chiếc khẩu trang. Tính chung, các đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty May Ðồng Nai có khả năng sản xuất, cung ứng ra thị trường mỗi ngày 100 nghìn chiếc khẩu trang, với giá tương đương chi phí sản xuất là 2.500 đồng/chiếc.

Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May Ðồng Nai Vũ Ðức Dũng, với ưu điểm tự chủ được nguồn nguyên liệu vải không dệt, đơn vị đang tập trung sản xuất phục vụ đơn hàng hai triệu sản phẩm từ Bộ Quốc phòng. Hiện, tổng công ty đã đầu tư gần 10 tỷ đồng, nhập ba dây chuyền sản xuất khẩu trang tự động. Dự kiến, các dây chuyền này khi đi vào hoạt động trong tháng 4 sẽ cung ứng cho thị trường khoảng bảy triệu chiếc khẩu trang/tháng. “Chúng tôi đã đàm phán với các khách hàng nước ngoài để thông cảm với DN nhằm giảm bớt năng lực xuất khẩu các sản phẩm truyền thống. Trong thời gian tới, tổng công ty tập trung sản xuất mặt hàng áo quần bảo hộ, khẩu trang kháng khuẩn để chung tay góp phần phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch bệnh”, ông Dũng chia sẻ.

Tại Bình Dương, trong tháng 2-2020, tình hình sản xuất của Công ty TNHH Sanaky Việt Nam chậm lại do thiếu nguồn cung nguyên liệu từ nguồn nhập khẩu. Trước vấn đề này, DN đã cố gắng tìm nguồn cung khác thay thế. Nhờ đó, từ cuối tháng 2 đến nay, tình hình từng bước được cải thiện, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN đi vào ổn định so với trước. Trong khi đó, tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lốp Kumho Việt Nam Cho Guy Sik cho biết: Khoảng 75% số nguyên vật liệu sản xuất của công ty nhập từ nước ngoài, trong đó khoảng 30% nhập từ Trung Quốc. Sau khi nghỉ Tết, dịch bệnh xảy xa khiến công ty phải dừng sản xuất một số công đoạn do ảnh hưởng nguồn nguyên liệu. Với sự quan tâm hỗ trợ của địa phương, ngành thuế và hải quan cùng các sở, ngành kịp thời hỗ trợ, công ty đã dần tháo gỡ những khó khăn để ổn định sản xuất vào tháng 2 và tháng 3. Do ảnh hưởng chung của dịch bệnh trên toàn thế giới cho nên tình hình sản xuất của các nhà hợp tác và đối tác chậm lại, vì vậy công ty cũng chủ động giảm sản lượng sản xuất để phù hợp tình hình thực tế.

Là DN hoạt động phát triển hệ thống hạ tầng các khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ, Tổng công ty Ðầu tư và Phát triển công nghiệp – CTCP (Becamex IDC) đã có bước chuẩn bị khá kỹ lưỡng khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bắt đầu ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư trong các khu công nghiệp. Tổng Giám đốc Becamex IDC Phạm Ngọc Thuận cho biết: Dịch Covid-19 đã mang đến nhiều thách thức nhưng thời gian này cũng là thời điểm để chúng tôi tranh thủ hoàn chỉnh hồ sơ các dự án đang được các đối tác lớn quan tâm và tìm hiểu cơ hội hợp tác, như: Trung tâm triển lãm, Khu A1, A9 tại Trung tâm thương mại thế giới Thành phố mới Bình Dương; Khu công nghiệp khoa học – công nghệ tại huyện Bàu Bàng. Công ty quyết tâm triển khai đúng tiến độ các dự án nêu trên để tạo đòn bẩy quan trọng, lan tỏa, kết nối nhiều nguồn lực, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Bình Dương ngay sau khi dịch kết thúc. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tiếp tục gấp rút hoàn thiện các khu công nghiệp Bàu Bàng, Cây Trường, VSIP 3,… nhằm đa dạng hóa, phục vụ tốt nhất nhu cầu của nhà đầu tư.

Đồng hành và hỗ trợ DN trong thời điểm khó khăn này luôn là sự quan tâm của chính quyền các địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Nai Cao Tiến Dũng yêu cầu các sở, ngành liên quan làm việc cụ thể đối với từng nhóm ngành, hiệp hội và DN để tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc do tác động của dịch Covid-19. Từ đó, đề xuất các giải pháp hỗ trợ cụ thể đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Ðồng thời cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các DN tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm cho biết: Là địa phương có tình hình sản xuất, kinh doanh phát triển mạnh, trên tinh thần Chỉ thị số 11 của Chính phủ đã ban hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành nhanh chóng nắm bắt thông tin, đánh giá mức độ khó khăn, thiệt hại của DN để có các giải pháp ứng phó; đồng thời nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ đến từng ngành, từng lĩnh vực.