BVR&MT – Hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn tại các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang ở mức báo động mà nguyên nhân trước hết và chủ yếu là do ý thức, truyền thống, phong tục và tập quán lạc hậu do người chính dân gây lên.
Tại các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện cơ sở hạ tầng còn khó khăn, thiếu thốn và phải chịu phong tục, tập quán, thói quen lạc hậu làm ảnh hưởng xấu tới môi trường sống. Điều dễ nhận thấy là người dân chưa có ý thức về bảo vệ môi trường. Chính điều này làm cho họ có hành động tùy tiện theo thói quen, theo phong tục. Đó là chăn nuôi gia súc thả rông, phân gia súc vương vãi xung quanh nhà và đường đi, khi gặp nắng bốc mùi, gặp mưa bị rửa trôi làm ô nhiễm nguồn nước. Phong tục, tập quán nuôi nhốt gia súc gần nhà ở và dưới gầm nhà sàn làm ô nhiễm nặng môi trường sống của các thành viên trong gia đình. Trong khi đó, những hố xí tạm bợ của người dân được làm gần nhà, khi gặp mưa bị rửa trôi làm ô nhiễm nguồn nước hoặc phát sinh ruồi muỗi gây bệnh tật.
Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn tại các xã vùng cao còn do người dân sử dụng không đảm bảo an toàn các loại hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp ( thuốc trừ sâu, trừ bệnh, thuốc trừ cỏ dại….). Một điều dễ nhận thấy là sau khi phun thuốc trừ sâu bệnh hoặc cỏ dại, người nông dân rửa bình bơm, đổ thuốc thừa ở bất cứ nơi nào mà không chú ý đảm bảo an toàn tới nguồn nước; bao bì , chai lọ chứa hóa chất bảo vệ thực vật độc hại bị vứt bừa bãi quanh nhà, trên nương rẫy, quanh mương máng…..Điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nước sinh hoạt và là tiền đề phát sinh các loại bệnh tật mà đồng bào không thể nhận biết ngay được. Hiện nay, tại đa số các vùng nông thôn miền núi, các loại rác thải chưa được thu gom đúng quy định và người dân tự do vứt các loại rác thải ra môi trường xung quanh, cộng với phân gia súc, gia cầm vương vãi càng làm cho môi trường sống ô nhiễm thêm nặng. Hơn nữa làm nông nghiệp không chỉ dựa vào mấy loại cây trồng như lúa, ngô, đậu tương…mà phải chăn nuôi để tăng nguồn thu nhập và lấy phân bón. Điều đó dĩ nhiên người nông dân vùng cao phải tiếp xúc trực tiếp với phân gia súc, gia cầm. Nếu không có biện pháp nuôi nhốt, thu gom và chế biến các nguồn phân hợp lý và khoa học thì vấn đề ô nhiễm môi trường ở nông thôn tại các xã vùng cao hiện nay ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Trong khi chúng ta ta còn nhiều khó khăn, chưa thể giải quyết ngay ô nhiễm môi trường nông thôn miền núi bằng công nghệ tiên tiến thì biện pháp cấp bách trước mắt là cần phải đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền về vệ sinh môi trường nông thôn vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; thậm chí phải dùng tới các biện pháp mạnh như phạt lao động công ích…đối với những người vi phạm và cố tình vi phạm về vệ sinh môi trường. Đây là một trong các biện pháp quan trọng để người dân có ý thức, chủ động và tự giác hơn trong việc thu gom rác thải; chuyển chuồng trại gia súc ra xa nhà và không được thả rông gia súc. Từ đó, chúng ta mới từng bước cải thiện được môi trường sống, giảm thiểu bệnh tật cho cộng đồng dân cư tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phạm Văn Phú
(Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang)