Bình Định: Không được tự ý trồng rừng trên diện tích do Nhà nước quản lý

BVR&MT – Nhiều diện tích đất trồng rừng phòng hộ và rừng sản xuất ở huyện Hoài Ân do Nhà nước quản lý nhưng lại xảy ra tranh chấp giữa một số người dân ở thôn Tân Thịnh và Hà Tây (xã Ân Tường Tây).

Cuối năm 2021, ông Hoa Ngọc Đông (ở thôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây) mang phương tiện cơ giới vào khu vực rừng có tục danh Dốc Dông (thuộc xóm Gò Thị, thôn Tân Thịnh) để cưa số cây keo do gia đình ông trồng vào năm 2016, trên khoảnh đất rộng khoảng 0,5 ha. Lúc đó, ông Trần Văn Bảo (trú cùng địa phương) quyết liệt ngăn cản nên hai bên xảy ra tranh chấp, xô xát với nhau.

Khu vực đất rừng gia đình ông Đông và ông Bảo xảy ra tranh chấp. Ảnh: C.L

Theo ông Đông, khoảnh đất này do mẹ ông là bà Trần Thị Đồng khai hoang, vỡ hóa và canh tác từ năm 1990. Năm 2001, Nhà nước có chủ trương thu hồi để thực hiện dự án trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc. Gia đình ông chấp hành chủ trương, nhưng đến năm 2016 thì phát hiện khoảnh đất mẹ ông khai hoang, vỡ hóa lại do gia đình ông Bảo canh tác chứ không nằm trong dự án phủ xanh đất trống, đồi trọc.

Tháng 2.2016, gia đình ông Đông tới phát dọn thực bì tại thửa đất trước kia bà Đồng đã khai hoang để trồng cây keo. Từ đó đến nay, giữa gia đình ông Bảo và ông Đông nhiều lần xảy ra tranh chấp đối với diện tích đất này. Ngoài ra, một số hộ dân ở thôn Hà Tây (xã Ân Tường Tây) cũng xảy ra tranh chấp đất rừng tại khu vực Dốc Dông với ông Bảo. Lý do tranh chấp cũng tương tự như trường hợp của ông Đông.

Xung quanh sự việc này, bà Phạm Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND xã Ân Tường Tây, cho biết: Xã đã phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) huyện Hoài Ân kiểm tra thực địa tại khu vực xảy ra tranh chấp đất rừng giữa ông Đông và ông Bảo. Theo bản đồ hiện trạng, khu vực này có cả diện tích đất rừng phòng hộ do Ban QLRPH huyện Hoài Ân quản lý và đất rừng sản xuất do UBND xã Ân Tường Tây quản lý.

Còn theo ông Lê Văn Bình, Giám đốc Ban QLRPH huyện Hoài Ân, đất rừng phòng hộ và đất rừng sản xuất tại khu vực Dốc Dông nằm đan xen với nhau, cần xác định cụ thể diện tích từng khoảnh. Dẫu vậy, toàn bộ diện tích này do Nhà nước quản lý; việc người dân tranh chấp hoặc đòi lại đất cũ trước kia khai hoang, vỡ hóa là không đúng theo quy định pháp luật hiện hành.

Ban QLRPH huyện Hoài Ân đã xây dựng phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn huyện và đang chờ cấp thẩm quyền quyết định phê duyệt. Theo phương án này, đất rừng thuộc chức năng sản xuất sẽ giao cho các xã quản lý; đồng thời từng bước cân đối, giao khoán cho người dân canh tác, sản xuất. Việc giao khoán sẽ xem xét ưu tiên cho các hộ trước kia có đất khai hoang, vỡ hóa bị thu hồi để thực hiện dự án trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc.

“Tới đây, Ban QLRPH huyện sẽ phối hợp với UBND xã Ân Tường Tây mời các hộ dân có liên quan làm việc, yêu cầu không được tranh chấp và tự ý khai thác, trồng rừng trên diện tích đất rừng do Nhà nước quản lý. Khi nào có chủ trương giao khoán đất rừng cho hộ dân canh tác, sản xuất, Ban sẽ thực hiện theo đúng quy định”, ông Bình cho hay.