Biến đổi khí hậu toàn cầu làm màu đại dương chuyển từ xanh lá sang lục

BVR&MT – Hơn nửa số đại dương trên toàn cầu đã có những thay đổi về màu sắc trong hơn 2 thập kỷ qua, nguyên nhân do những thay đổi trong hệ sinh thái, cụ thể là sự xáo trộn trong cộng đồng vi sinh vật…

Nhiều vùng biển trên thế giới đã đổi màu từ xanh lam sang xanh lục.

Trong 20 năm qua, nhiều khu vực rộng lớn của các đại dương trên toàn thế giới đã bị đổi màu – từ màu xanh lá như thường thấy chuyển sang màu xanh lục.

Các nhà khoa học chỉ ra rằng đây là kết quả từ sự tác động của hoạt động biến đổi khí hậu đối với sự sống trong môi trường đại dương.

Theo kết quả nghiên cứu mới được đăng tải trong tháng 7 này, các nhà khoa học tới từ Trung tâm Quốc gia về Hải dương học của Anh cho biết đã phát hiện ra những thay đổi về màu sắc của hơn nửa số đại dương trên toàn cầu.

Nghiên cứu, đã được đăng tải trên tạp chí Nature, nhận định nguyên nhân do có những thay đổi trong hệ sinh thái, cụ thể hơn là những xáo trộn trong các cộng đồng vi sinh vật nhỏ bé. Chúng là mảnh ghép quan trọng trong chuỗi thức ăn ở đại dương. Không chỉ vậy, chúng còn đóng vai trò tất yếu trong việc ổn định bầu khí quyển của chúng ta.

“Lý do chúng tôi quan tâm đến sự thay đổi màu sắc của đại dương là vì chúng thể hiện chất lượng hệ sinh thái. Vì vậy, khi màu sắc đại dương thay đổi, hệ sinh thái cũng thay đổi theo,” tác giả chính BB Cael của Trung tâm quốc gia về Hải dương học chia sẻ với hãng tin AFP.

Màu sắc của đại dương khi nhìn từ không gian có thể vẽ nên một bức tranh cho thấy về những gì đang diễn ra ở các tầng nước trên cùng.

Màu xanh đậm có nghĩa không có nhiều hoạt động của sự sống. Trong khi đó, màu xanh lục cho thấy khả năng dưới nước sẽ có nhiều hoạt động của các sinh vật hơn, đặc biệt là từ thực vật phù du quang hợp như tảo lam.

Những vi sinh vật này tạo ra một lượng oxy đáng kể để chúng ta hít thở. Chúng đóng vai trò rất quan trọng trong vòng tuần hoàn carbon và là một phần cơ bản của mạng lưới thức ăn trên đại dương.

Các nhà nghiên cứu đang rất muốn phát triển các cách thức theo dõi những sự thay đổi trong hệ sinh thái để quan sát tình trạng biến đổi khí hậu, từ đó nhận biết các khu vực cần được bảo tồn đặc biệt.

Nhưng những nghiên cứu trước đây đã cho thấy rằng sẽ mất đến ba thập kỷ theo dõi mức độ xuất hiện của chất diệp lục trong đại dương, bằng máy đo phổ huỳnh quang, mới có thể phát hiện xu hướng thay đổi thường niên.

Trong nghiên cứu mới nhất, các nhà nghiên cứu đã mở rộng phổ màu và xem xét bảy sắc độ màu trên đại dương, qua các hình ảnh được vệ tinh MODIS-Aqua thu lại từ năm 2002 đến 2022. Những màu sắc này rất khó để con người nhận biết sự thay đổi bằng mắt thường. Phần lớn chúng ta đều sẽ chỉ thấy duy nhất một màu xanh lam.

Các tác giả đã dùng máy móc phân tích dữ liệu hình ảnh thu được để phát hiện xu hướng, dựa trên mức độ thay đổi màu sắc theo các năm. Sau đó họ đem kết quả ra so sánh với các mô hình tính toán, được tạo ra để giả lập các kịch bản có thể xảy ra do biến đổi khí hậu.

Họ phát hiện rằng các quan sát trong thế giới thực có một mối liên kết chặt chẽ với những thay đổi được dự đoán.

Mặc dù các nhà nghiên cứu cho biết rằng sẽ mất nhiều công sức hơn để tìm ra ý nghĩa chính xác của những thay đổi trong màu sắc trên đại dương, họ vẫn đưa ra kết luận rằng biến đổi khí hậu rất có thể là nguyên nhân chủ chốt.

Đồng tác giả Stephanie Dutkiewicz tới từ Khoa Khoa học Trái đất, Khí quyển và Hành tinh thuộc Trung tâm Global Change Science của Học viện Công nghệ Massachussett (MIT), cho biết: “Tôi đã chạy các mô phỏng và từ chúng, tôi biết rằng những thay đổi về màu sắc của đại dương sẽ xảy ra. Khi chứng kiến điều đó xảy ra ngoài đời thực, cảm giác không ngạc nhiên, nhưng lại rất đáng sợ. Những thay đổi này có liên quan tới các tác động mà con người gây ra đối với khí hậu của chúng ta”.