Bảo vệ dữ liệu cá nhân là bảo vệ con người

BVR&MT – Đó chính là một trong những tâm điểm được đưa ra thảo luận tại Hội thảo “Bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư trong chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số: Thảo luận và Khuyến nghị chính sách” diễn ra 15/7 tại Hà Nội do Hội Truyền thông số Việt Nam, Tổ chức Oxfam phối hợp cùng Viện nghiên cứu chính sách phát triển Truyền thông (IPS) tổ chức nhằm cung cấp thêm các góc nhìn, phân tích và giải pháp , góp phần hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường thực thi và bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư.

Hội thảo Bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư trong chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số.

Dữ liệu nói chung và dữ liệu cá nhân nói riêng đang trở thành “nguồn vốn” hay “tài sản” có tầm quan trọng hàng đầu của nền kinh tế số hay nền kinh tế vận hành trên cơ sở dữ liệu sử dụng công nghệ số. Tuy nhiên, để bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư của các chủ thể trên môi trường số đã và đang là “bài toán khó” thách thức Chính phủ và những người làm chính sách không chỉ riêng Việt Nam mà còn ở các quốc gia trên thế giới. Tại nước ta, 03/ 06/ 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 749/ QĐ- TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đối số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đề xuất một chiến lược phát triển toàn diện bao gồm Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Quyết định này khẳng định tầm quan trọng của dữ liệu số là “tài sản, tài nguyên, điều kiện tiên quyết cho chuyển đổi số” và chỉ định Bộ công an xây dựng “Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân”.

Trong phần tham luận của mình tại Tọa đàm, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Chuyên gia Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, Hội truyền thông số Việt Nam đã đưa ra một minh chứng rất rõ hiện nay mà chúng ta đang chịu đựng đó là thường xuyên phải nghe những cuộc điện thoại lạ gọi đến bất kể ngày hay đêm để mời chào mua bán bất động sản, cho vay tiêu dùng…khiến người nghe rất bức xúc, khó chịu cảm thấy bị làm phiền nhưng không thể có cách nào ngăn chặn được những cuộc gọi vô nghĩa đó một cách triệt để. Đó được coi là một trong những hậu quả của việc làm rò rỉ dữ liệu thông tin.  Ông Lập nhấn manh: “Bảo vệ dữ liệu cá nhân không phải là bảo vệ bản thân dữ liệu ấy mà chính là bảo vệ các quyền cơ bản và tự do của con người để tránh bị xâm phạm. Bởi vậy, việc không tuân thủ các quy định pháp luật hay quy tắc về bảo vệ dữ liệu cá nhân có thể dẫn đến nhiều tình huống rủi ro, đó là sự mất an toàn hoặc thiệt hại về tài sản, tiền bạc thậm chí là tính mạng”.

Ông Nguyễn Tiến lập, chuyên gia nghiên cứu của IPS trình bày ý kiến

Hậu quả sẽ còn trở lên rất nghiêm trọng nhưng vấn đề bảo mật trong quản lí dữ liệu vẫn đang còn gặp nhiều thách thức bởi, thứ nhất nền kinh tế số chỉ phát triển được bằng việc thu thập, sử dụng và khai thác dữ liệu người dùng, hay dữ liệu của mọi cá nhân và người tiêu dùng. Khi đó, dữ liệu sẽ được coi như “tiền” trong các ngân hàng mà doanh nghiệp sẽ tìm mọi cách để khai thác lợi ích một cách tối đa. Thứ hai, quản trị dữ liệu có mục tiêu tăng cường bảo vệ quyền riêng tư, tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, điều đó lại mâu thuẫn với bảo vệ trật tự công cộng và an ninh quốc gia, bởi muốn thực thi chức năng đó của mình thì các Cơ quan nhà nước có xu hướng can thiệp vào đời sống và không gian riêng tư của cá nhân. Một pháp lý mới đặt ra là các dữ liệu và thông tin cá nhân thuộc sở hữu của ai? Về điều này đang tồn tại cả nghi ngờ và tranh cãi. Phía doanh nghiệp cho rằng người dùng chỉ cung cấp dữ liệu rời rạc, còn cơ sở dữ liệu thông tin có giá trị kinh tế là sản phẩm của khâu xử lý và quản trị sau đó.

Tuy nhiên, các hiệp hội tiêu dùng lại có quan điểm ngược lại với lập luận rằng toàn bộ các thông tin dù đã được tạo ra ở khâu nào nhưng có thể nhận diện được cá nhân đó chính là quyền riêng tư, do đó, nó bất khả xâm phạm vì thuộc về cá nhân là chủ thể thông tin…

Cuối cùng, có rất nhiều nghịch lý và thách thức lớn trong mọi chính sách bảo vệ quyền riêng tư trong khi tăng cường hoàn thiện các thiết chế và công cụ pháp luật hiện có thì sự phát triển nhanh chóng của khoa học – công nghệ của kỷ nguyên số đã làm cho chính các thiết chế và công cụ này nhanh chóng bị lạc hậu hay bị vô hiệu hóa.

Quỳnh Anh