BVR&MT – Ngày 25/2/2018, (tức mồng 10 tháng giêng năm Mậu Tuất), tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, (thành phố Bắc Ninh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nhà báo, Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bắc Ninh long trọng khai mạc Hội thi hát Dân ca quan họ, Hội báo xuân, Hội thi sinh vật cảnh.
Qua 27 lần tổ chức, Hội thi hát Dân ca quan họ là hoạt động ý nghĩa, thiết thực để các liền anh, liền chị, những nghệ sỹ không chuyên gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong việc giữ gìn lề lối và những giá trị tinh hoa của sinh hoạt văn hoá quan họ, mang đến phong vị đặc sắc riêng có của miền Kinh Bắc.
Hội thi hát Dân ca quan họ đầu xuân thu hút đông đảo nhân dân trong tỉnh và du khác từ nhiều miền trong cả nước. Đồng thời hoạt động đã góp phần tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị dân ca quan họ – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Năm nay, sân thi hát đối đáp 50 và 150 bài quan họ cổ có 53 cặp liền anh, liền chị đến từ 32 làng quan họ trong tỉnh tham gia…
Trong khuôn khổ Hội xuân năm nay, UBND tỉnh Bắc Ninh đã công bố quyết định phong tặng 47 nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, 30 nghệ nhân dân ca quan họ; 6 nghệ nhân hát tuồng; 02 nghệ nhân hát chèo; 04 nghệ nhân múa rối nước; 04 nghệ nhân hát trống quân và 01 nghệ nhân hát ca trù. Đặc biệt, cụ Nguyễn Thừa Kế, thôn Duệ Đông, thị trấn Lim, huyện Tiên Du, năm nay tròn 100 tuổi được phong tặng Nghệ nhân ưu tú, loại hình Dân ca quan họ.
Cùng với Hội thi hát dân ca quan họ, Hội báo xuân Mậu Tuất giới thiệu đến công chúng trên 100 đầu báo, tạp chí đặc sắc của các cơ quan báo chí Trung ương, báo Đảng các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, tỉnh Bắc Ninh có 25 đơn vị có ấn phẩm tham gia trưng bày. Các tác phẩm báo xuân năm nay tập trung phản ánh thành tựu quan trọng và bước tiến trong công cuộc đổi mới quê hương, đất nước; không khí phấn khởi, hồ hởi của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về thành tựu khá toàn diện của đất nước và của tỉnh Bắc Ninh trong năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhất là những chuyển biến, tiến bộ về kinh tế, xã hội, phòng chống tham nhũng, lãng phí…
Tại không gian triển lãm sinh vật cảnh mùa xuân này, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng gần 2.000 tác phẩm sinh vật cảnh với nhiều chủng loại đẹp, quý, đặc sắc và 60 gian hàng đá quý, đá cảnh, đá phong thủy, đồ gỗ mỹ nghệ… vừa có giá trị nghệ thuật cao vừa có giá trị kinh tế đã được các nghệ nhân lựa chọn kỹ lưỡng từ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Mỗi tác phẩm là sự kết tinh của sự tài hoa, cần cù sáng tạo cùng niềm đam mê của các nghệ nhân đã dày công chăm sóc, uốn tạo. Triển lãm là dịp để những người yêu sinh vật cảnh trong và ngoài tỉnh quy tụ, giao lưu trao đổi kinh nghiệm, hợp tác kinh doanh phát triển kinh tế.
Cũng trong thời gian này đã diễn ra các hoạt động văn hóa thể thao như: Múa rối nước; trưng bày sách về cuộc tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968 tại Thư viện tỉnh; trưng bày chuyên đề “Mừng Xuân Mậu Tuất 2018, mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh” tại Bảo tàng tỉnh giới thiệu hình ảnh thành tựu kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Ninh sau hơn 20 năm tái lập tỉnh; phong vị Tết cổ truyền trên quê hương Kinh Bắc và các hiện vật cổ như trống cái, pháo Đồng kỵ, các loại thú đá; thi tổ tôm điếm tại Câu lạc bộ Người cao tuổi tỉnh…
Đặc biệt, Giải bóng chuyền nữ Kinh Bắc lần thứ nhất – Cúp IMP năm 2018, với sự tham dự của 4 đội bóng chuyền nữ gồm: Kinh Bắc, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thanh Hóa. Đây là giải đầu tiên sau khi đội bóng chuyền nữ Kinh Bắc được thành lập, thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn và hàng nghìn người hâm mộ trong tỉnh và vùng lân cận.