Bắc cầu dây thừng kết nối sinh cảnh cho loài linh trưởng quý hiếm nhất thế giới

Bắc cầu dây thừng kết nối sinh cảnh cho loài linh trưởng quý hiếm nhất thế giới.

BVR&MT – Cây cầu đơn giản, rẻ tiền nhưng vô cùng hiệu quả, giúp vượn Hải Nam băng qua các sinh cảnh bị phân mảnh. Tuy nhiên, giới bảo tồn cho rằng sáng kiến hữu ích này chỉ là giải pháp ngắn hạn.

Vượn Hải Nam được coi là loài linh trưởng nguy cấp nhất trên thế giới khi chỉ còn lại 30 cá thể ngoài tự nhiên, sống co cụm trong một khu rừng trên đảo cùng tên ở Trung Quốc.

Theo người quản lý dự án bảo tồn vượn Hải Nam Bosco Pui Lok Chan, loài này ở trong tình trạng quá bấp bênh nên sự sống còn của mỗi cá thể đều rất quan trọng.

Dưới tán cây, chúng chẳng khác nào những diễn viên nhào lộn, chuyên dùng đôi tay dài để quăng mình từ cây này sang cây khác, dễ dàng hái được quả rừng. Chúng sợ di chuyển dưới mặt đất, vì vậy sau hàng chục năm rừng bị chia cắt do khai thác gỗ và sản xuất nông nghiệp, các nhóm vượn bị cô lập và từ từ tiêu vong.bắc cầu

Sau khi bão Rammasun gây sạt lở lớn ở đảo Hải Nam vào tháng 5/2015 khiến sinh cảnh vượn bị phá hủy nghiêm trọng, tạo ra nhiều khoảng trống và làm trầm trọng thêm tình trạng mất cây cối trước đó thì nhóm của Chan phải hành động khẩn cấp.

Nhóm thuê những người leo cây chuyên nghiệp mắc những sợi dây để làm “cây cầu” bắc qua những khoảng rừng bị thiệt hại, đồng thời lắp cả bẫy ảnh ghi nhận chuyển động ở gần cầu. Cây cầu là 2 sợi dây thừng để leo núi, bắc giữa những thân cây cách nhau xa. Đây là hoạt động can thiệp lần đầu tiên được thử áp dụng với vượn.

Theo một nghiên cứu mới công bố trên chuyên san Scientific Reports thì kết quả rất khả quan: vượn đang sử dụng những cây cầu dây này, chứng tỏ chiến lược này có thể sử dụng ở bất kỳ khu rừng nào để hỗ trợ chúng di chuyển, kiếm ăn hoặc kết đôi.

Đồng tác giả nghiên cứu Pui Lok Chan cho biết ban đầu vượn ngó lơ cây cầu, sau 176 ngày chúng mới sử dụng và Chan thừa nhận: “Thật sự nhẹ nhõm vì cuối cùng chúng cũng sử dụng cây cầu”.

Chan cũng ngạc nhiên với những gì thu được từ bẫy ảnh. Không chỉ dùng tay để quăng người như khi bám vào cành cây, nhiều cá thể vượn thực hiện hành động mà Chan gọi là “vịn tay”. Chúng đi trên một sợi dây trong lúc bám lấy sợi dây trên đầu để cân bằng, tương tự cách con người vịn tay để giữ thăng bằng.

Vượn cái và vượn con đều sẵn lòng sử dụng cầu dây, Chan dự đoán rằng có lẽ vì vượn đực đủ khả năng nhảy vượt qua khoảng trống giữa các cây. Cũng có thể vì vượn cái – đang mang thai hoặc mang theo vượn con nên sẽ quá mạo hiểm nếu nhảy qua một quãng xa như thế.

“Có nhiều thiết kế về cầu bắc qua tán cây trên khắp thế giới nhưng kiểu cầu này thật tuyệt vời vì rất đơn giản, rẻ tiền và thích hợp cho loài vượn”, nhà sinh vật bảo tồn Tremaine Gregory thuộc Trung tâm Bảo tồn Bền vững (Viện Bảo tồn Sinh học Smithsonian) hào hứng.

Ước tính có khoảng 2.000 cá thể vượn Hải Nam hoang dã vào những năm 1950 nhưng tình trạng mất sinh cảnh và săn bắn tràn lan những năm 1970 khiến số lượng vượn còn lại 10 cá thể. Những nỗ lực bảo tồn loài đã được Dự án bảo tồn vượn Hải Nam thực hiện như giám sát và nghiên cứu những cá thể sau cùng này, tuần tra lãnh địa sinh sống của chúng để ngăn cản thợ săn, và trồng cây. Dù hiện nay, số cá thể vượn đã tăng gấp 3 lần nhưng tương lai của loài vẫn rất bấp bênh.

“Khi chúng ta chẻ nhỏ thế giới thành những mảnh ngày càng nhỏ bằng các con đường, bằng các công trình hạ tầng thì điều quan trọng là nghĩ tới các giải pháp duy trì kết nối giữa các mảnh trong sinh cảnh” Gregory phân tích và cho rằng cầu dây sẽ khơi nguồn cảm hứng cho những người đang làm công tác bảo tồn các loài quý hiếm.

Chan đồng ý nhưng cũng thận trọng rằng cầu dây chỉ là giải pháp ngắn hạn: “Tìm ra cách để hồi phục các hành lang sinh thái rừng phải là ưu tiên”.

Chan cũng mới khởi động một dự án phục hồi rừng ngay dưới các cây cầu dây bằng các loài phát triển nhanh. “Đó mới là giải pháp bảo tồn lâu dài và bền vững nhất”.

Nhật Anh (Theo National Geographic)

CHIA SẺ