BVR&MT – Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện các chương trình hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân các dân tộc sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Đây là giải pháp huyện Than Uyên đang triển khai trong công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) từng bước vươn lên thi đua phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
Thực hiện công tác dân tộc trong vùng đồng bào DTTS, cấp ủy, chính quyền xã Mường Than tích cực giúp đỡ Nhân dân phát triển kinh tế, dạy nghề, đẩy mạnh hoạt động ủy thác để người dân có vốn sản xuất, kinh doanh; khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời phổ biến đến bà con không tin, không nghe luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch, không theo đạo trái pháp luật, thực hiện nếp sống văn minh. Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; kiên quyết xử lý các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân.
Đồng chí Phạm Văn Bốn – Bí thư Đảng ủy xã Mường Than cho biết: “Đảng bộ xã tích cực phát huy vai trò của già, trưởng bản, người có uy tín làm “cầu nối” giữa Đảng với Nhân dân. Xây dựng các mô hình kinh tế gắn với thi đua “dân vận khéo” như: nuôi trâu, bò vỗ béo, nuôi gà, vịt, trồng lúa hàng hóa, trồng cây xanh và làm cổng bản. Toàn xã thực hiện được 354ha lúa sản xuất hàng hóa tập trung, hình thành 117ha rau màu, trồng 140ha sơn tra, 42,7ha cây quế. Chuyển đổi giống cây trồng từ trồng sắn, trồng ngô sang trồng bưởi da xanh, bưởi diễn, chanh leo với diện tích hơn 30ha. Tổng đàn gia súc 2.884 con, trên 66.538 con gia cầm. Thu nhập người dân hiện đạt 40 triệu đồng/người/năm”.
Trước đây, trong đồng bào dân tộc Mông ở bản Huổi Bắc, Pá Khoang của xã Pha Mu vẫn tồn tại tục bắt vợ, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sản xuất canh tác, sinh hoạt, văn hóa theo tập quán lạc hậu. Nhưng kể từ khi cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, Nhân dân từng bước thay đổi nhận thức, loại bỏ hủ tục, tích cực phát triển kinh tế. Đến nay, nhiều hộ tự nguyện quay lại lập bàn thờ thờ cúng tổ tiên theo phong tục truyền thống của dân tộc Việt Nam. Từ năm 2018-2021, tại 2 bản Huổi Bắc, Pá Khoang đã vận động được 3 cặp dừng lại khi chưa đủ tuổi kết hôn, 5 đám cưới thực hiện theo cam kết không lấy bạc trắng, không lấy quá 100kg lợn hơi, 40 lít rượu, 5 triệu đồng.
Với quan điểm “Dân là gốc, dân làm gốc”, huyện Than Uyên đã quán triệt triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, nghị quyết, kết luận của Trung ương, tỉnh về công tác dân vận đến cán bộ, đảng viên, Nhân dân. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng quy chế công tác dân vận phù hợp với địa phương, đơn vị; phân công các đồng chí lãnh đạo phụ trách công tác dân vận ở cấp ủy, cơ quan, UBND cấp huyện, xã. Đẩy mạnh công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS thông qua việc vận động Nhân dân chấp hành, thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tập trung phát triển kinh tế, giảm nghèo, xóa bỏ hủ tục, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Đồng chí Hoàng Đình Trọng – Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Than Uyên cho biết: “Ban thường xuyên phối hợp MTTQ và các đoàn thể, lực lượng vũ trang huyện tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước; hướng dẫn Nhân dân thực hiện hiệu quả quy ước, hương ước thôn bản. Đặc biệt, trong công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS, huyện đã tổ chức cho 22 bản thuộc 8 xã có đồng bào dân tộc Mông sinh sống ký cam kết thực hiện nếp sống văn hóa mới trong đồng bào dân tộc Mông. Từ việc ký cam kết đã có sức lan tỏa sâu rộng nếp sống mới đến các dân tộc khác trên địa bàn huyện. Nhờ đó, năm 2021, toàn huyện có 12.178 gia đình, 106 bản, khu phố đạt danh hiệu văn hóa”.
Toàn huyện có 11 xã, 1 thị trấn; có 10 dân tộc cùng chung sống. Cấp uỷ, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị – xã hội từ huyện đến cơ sở tích cực tuyên truyền, triển khai các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn kịp thời, đồng bộ. Vận động bà con phát huy nội lực, tích cực lao động, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi. Các địa phương hướng dẫn bà con trồng lúa 2 vụ kết hợp thêm 1 vụ màu, trồng chè, trồng hoa, bảo vệ rừng. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 giảm còn 9,19%.
Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, UBND huyện phối hợp MTTQ và các đoàn thể thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tuyên truyền, vận động bà con xây dựng nông thôn mới. Trong đó, vận động người dân hiến đất, góp công cứng hóa làm đường giao thông nông thôn, xây mới các nhà văn hóa. Thực hiện tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người dân; nêu cao trách nhiệm phục vụ, giải quyết đơn thư, kiến nghị, phản ánh của Nhân dân. Từ đó, góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho Nhân dân, đưa huyện ngày càng khởi sắc.