BVR&MT – “Tháng ba mùa con ong đi lấy mật/ Mùa con voi xuống sông hút nước/ Mùa em đi phát rẫy làm nương…”. Lời bài hát ấy, cứ ngân nga trong tôi mỗi độ tháng ba về. Tây Nguyên, tháng ba mùa này đang tràn ngập hương thơm cà phê, chè, dâu tằm, cây ăn trái… giữa đại ngàn rừng xanh, núi cao hùng vĩ.
Tây Nguyên, vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh, kinh tế của Việt Nam. Tây nguyên, đang lưu giữ bao trầm tích văn hóa, kỳ bí và độc đáo. Tây Nguyên, đang thay da đổi thịt từng ngày. Tây Nguyên đang “đột phá” phát triển giao thông đồng bộ hiện đại, thu thút đầu tư, các chương trình – công trình trọng điểm kinh tế, an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa (trong đó có Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên – Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại).
Một tin rất vui là, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch xây dựng, phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030. Theo đó, Tây Nguyên sẽ là Đầu mối giao thương của các nước, Tiểu vùng sông Mê Kông và Biển Đông, vùng trọng điểm phát triển cây công nghiệp và bảo tồn bản sắc văn hóa quốc gia. Phạm vi phê duyệt quy hoạch gồm 5 tỉnh (Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum) với tổng diện tích 54.641.000 km2. Năm 2030, dự báo dân số toàn vùng khoảng 7,4 triệu người, dân số đô thị 3,2 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa 41%. Về định hướng phát triển không gian vùng Tây Nguyên, được phân ra thành các Tiểu vùng và Dải hành lang kinh tế. Mỗi vùng kinh tế gắn với phát triển đô thị động lực, đô thị trung tâm và đô thị nhỏ.
Cụ thể, Tiểu vùng Bắc Tây Nguyên (gồm Gia Lai và Kon Tum) tập trung phát triển thuỷ điện, Du lịch sinh thái gắn với Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn Thiên nhiên. Tiểu vùng Trung Tây Nguyên (gồm toàn bộ tỉnh Đắk Lắk) phát triển công nghiệp, chế biến nông lâm sản, đặc biệt là sản xuất chế biến cà phê xuất khẩu. Tiểu vùng Nam Tây Nguyên (Lâm Đồng và Đắk Nông) phát triển dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, công nghiệp khai thác chế biến khoáng sản và nông nghiệp công nghệ cao.
Các Dải hành lang kinh tế, gồm: Dải kinh tế phía Đông (gồm các huyện phía đông tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk) là vùng phát triển nông lâm nghiệp. Dải kinh tế Trung tâm (gồm Kon Tum, Pleiku, Đắk Lắk nằm dọc hai bên đường Hồ Chí Minh) phát triển các loại cây công nghiệp phục vụ xuất khẩu. Dải kinh tế phía Tây (gồm huyện Đắk Glây, Ngọc Hồi, Sa Thầy-tỉnh Kon Tum; Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông – tỉnh Gia Lai; Ea Súp, Buôn Đôn, Cư jút – tỉnh Đắk Lắk và toàn bộ tỉnh Đắk Nông) phát triển công nghiệp khai thác chế biến bauxit, luyện nhôm và thủy điện. Dải kinh tế Nam Tây Nguyên (gồm toàn bộ tỉnh Lâm Đồng) là vùng chuyên canh rau, hoa ôn đới công nghệ cao và du lịch.
Từ nay đến năm 2030, vùng Tây Nguyên sẽ xây dựng 117 đô thị, 10 cửa khẩu, 24 khu công nghiệp và 74 cụm công nghiệp. (Mỗi huyện có từ 1 – 2 cụm, điểm công nghiệp quy mô 20 – 50ha, chủ yếu chế biến nông lâm sản). Riêng về phát triển du lịch, vùng Tây Nguyên sẽ gắn với bảo vệ môi trường, các giá trị văn hóa dân tộc bản địa, liên kết với miền Trung, thành phố Hồ Chí Minh và Nam bộ. Xây dựng các Trung tâm du lịch lớn tại thành phố Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Pleiku gắn với các Khu du lịch Quốc gia và thành phố du lịch Đà Lạt.
Tây Nguyên, như “nàng Sơn cước” đôi mươi căng đầy nhựa sống, khỏe khoắn, xinh đẹp và quyến rũ, đang mời gọi những chàng trai Việt Nam và thế giới tài năng “xứng danh anh hùng” đến lập nghiệp, yêu đương và phát triển Tây Nguyên. Nếu là du khách quốc tế, chưa một lần đến Tây Nguyên, thì coi như chưa đến Việt Nam. Hãy đến Tây Nguyên để khám phá và trải nghiệm. Xin đừng, vào rừng sâu một mình để khám phá những thác nước hùng vĩ, đừng quá mê múa xoang và đắm đuối nhìn vào mắt “nàng Sơn cước” bên ánh lửa bập bùng, đừng uống rượu cần, thịt nướng thơm lừng, say khướt… kẻo quên đường về!
Hà Hữu Nết (Hội VHNT tỉnh Lâm Đồng)