BVR&MT – Trong bộ quần áo chàm đen, mái tóc dài lãng tử, dù trên sân khấu nhỏ của bản làng, hay sân khấu lớn ở trong và ngoài nước, Chu Văn Thạch vẫn điềm nhiên, ung dung dẫn lối người nghe phiêu diêu theo ngón đàn, tiếng nhạc. Từ nhỏ, cậu bé người Tày ở thôn Buôn, xã Hà Lang, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) này đã nuôi khát vọng lớn với cây đàn Tính tẩu…
Đưa tiếng đàn Tính vang xa…
Ở thôn Buôn, Chu Văn Thạch được biết đến như một người xuất chúng với nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ. Năm lên 8 tuổi, anh đã đánh thông thạo đàn Tính, 16 tuổi chế tác thành thạo đàn tính và 23 tuổi sở hữu xưởng sản xuất đàn riêng của mình. Năm 2017, Thạch tạo bất ngờ khi chế tác thành công cây đàn Tính 12 dây (thông thường đàn Tính chỉ có 3 dây). Anh chia sẻ, khó khăn lớn nhất khi làm đàn Tính là việc dùi lỗ, luồn dây và tìm kiếm bầu đàn.
Với cây đàn Tính 12 dây đòi hỏi phải tìm được quả bầu to, chưa kể việc tính toán kéo thêm 9 dây là điều rất khó. Sau thời gian dài, anh đã đi mày mò học hỏi các nghệ nhân ở Bắc Kạn, Cao Bằng… tạo ra cây đàn Tính 12 dây đặc biệt khiến người nghe vô cùng ngạc nhiên bởi âm thanh kỳ diệu của nó.
Những tiết mục độc tấu của anh, mang đến cho người nghe nhiều cung bậc cảm xúc bởi sự điêu luyện tài tình. Lúc réo rắt, du dương, khi nhịp nhàng thanh thản; khi rộn rã, vui tươi; khi thầm thì như tiếng suối gọi, khắc khoải như nỗi mong chờ…
Anh bảo, người đánh đàn hay tựa như người biết kể chuyện, thay lời nhân vật để diễn tả tâm trạng. Vì vậy, phải đắm mình vào nhân vật, sống cùng nhân vật thì lời đàn mới tha thiết được!
Bằng tài năng, sự cảm nhạc đặc biệt và tình yêu văn hóa dân tộc, Chu Văn Thạch đã từng bước đưa cây đàn 12 dây bước ra sân khấu lớn. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020, tiết mục độc tấu đàn Tính 12 dây của Chu Thạch đã nhận được sự khen ngợi của nhiều người. Mới đây, Chu Văn Thạch giành giải Bạc tại Liên hoan độc tấu nhạc cụ dân tộc tổ chức tại Hà Nội.
Hành trình chàng trai người Tày Chu Văn Thạch đưa tiếng đàn Tính vươn xa còn bao điều thú vị…
“Hot youtuber” và giấc mơ giản dị
Nói về chàng trai Chu Văn Thạch, nhiều người ngưỡng mộ anh, bởi tinh thần tự học. Tròn 20 tuổi, tên tuổi của anh bắt đầu được nhiều người biết đến khi liên tục giành được giải cao các cuộc thi Liên hoan văn nghệ trong và ngoài tỉnh. Như giải B Liên hoan hát Then – đàn Tính tại tỉnh Cao Bằng năm 2007; giải A với tiết mục hát Then “Bảy sắc cầu vồng” tại Liên hoan hát Then – đàn Tính khu vực Đông Bắc năm 2009; Giải A tại Liên hoan hát Then – đàn Tính dân tộc Tày năm 2010, tổ chức tại Hà Giang …
Nghệ sĩ Ưu tú Thu Hồng, Trưởng Đoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh Tuyên Quang chia sẻ, với thành tích và tài năng vượt trội, Chu Văn Thạch nhiều lần được tham gia cùng các diễn viên Đoàn biểu diễn nghệ thuật tại Hàn Quốc, Trung Quốc. Tiết mục độc tấu của Thạch luôn tạo ấn tượng, lôi cuốn người nghe, góp phần quảng bá văn hóa dân tộc ra bạn bè thế giới. Năm 2014, em được xét tuyển đặc cách biên chế tại Đoàn. Tuy nhiên, Thạch có lựa chọn của mình, tiếp tục là cộng tác viên của Đoàn và ở lại quê nhà để hoàn thành những dự định riêng.
Thạch cười bảo: “Con đường mình không đi không có nghĩa là không muốn, mà chỉ là không phải giấc mơ của mình. Giấc mơ giản dị thôi! Bây giờ và mãi mãi sau này là được sống, được gắn bó với làng bản. Mỗi sáng thức dậy hay khi mặt trời lặn, tiếng tính tẩu của mình được ngân vang hòa vào thanh âm cuộc sống quê hương”.
Hiện nay, Chu Văn Thạch sở hữu xưởng làm đàn Tính với 5 nhân công, lương trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh làm đàn Tính 3 dây theo nhu cầu khách hàng, chàng trai trẻ mày mò chế tác các loại đàn tính 2 dây, 6 dây, 12 dây. Ngoài ra, anh còn tự học, thiết kế bộ khuếch đại âm thanh mi ni gắn vào đàn Tính để biểu diễn trên sâu khấu âm thanh rõ nét, chân thực, sống động hơn.
Không chỉ vậy, Chu Văn Thạch còn là một Youtuber chính hiệu. Anh sở hữu 2 kênh Youtube là “Đan tinh Chu Thach” và “Chu Thach Official”. Một kênh chuyên dạy đánh đàn Tính từ cơ bản đến nâng cao và một kênh đăng tải các tiết mục do anh biểu diễn.
Ngoài tham gia giảng dạy trực tiếp hát Then, đàn Tính cho các học sinh trong và ngoài tỉnh, anh cũng sử dụng mạng xã hội Facebook, phòng học Zoom để giảng dạy trực tuyến cho những người yêu hát Then, đàn Tính ở xa.
Anh Nguyễn Văn Hữu, Bắc Quang (Hà Giang) là một học trò xuất sắc của thầy Thạch chia sẻ: “Thầy Thạch có cách truyền lửa, tạo cảm hứng đặc biệt cho những người trẻ về tinh thần yêu văn hóa dân tộc và rèn luyện tự học hỏi. Hiện nay, em cũng có kênh Youtube về hát Then, đàn Tính của mình, em cũng thường xuyên được tham gia và giành được giải cao tại các cuộc liên hoan văn nghệ hát Then, đàn Tính của tỉnh”.
Con đường tự học, tự nỗ lực để trở thành nghệ nhân đàn Tính trẻ tuổi nhất Tuyên Quang của Chu Văn Thạch đã truyền năng lượng tích cực cho các bạn trẻ về tình yêu âm nhạc dân tộc. Và theo anh Thạch, trong thời đại 4.0 không ai khác chính những người trẻ sẽ thực hiện sứ mệnh quảng bá văn hóa của dân tộc mình đến bạn bè bốn phương.