BVR&MT – “Người vào thăm vườn thì nhiều, mua cũng có nhưng ít, chẳng bán được bao nhiêu, hàng vẫn còn nguyên”, anh chủ nhà vườn Tường Nhung bộc bạch.
Tin bài liên quan:
Bài 1: Lâm nghiệp vượt khó, tăng tốc
Bài 2: Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu rực đỏ đón xuân
Bài 3: Hà Nội: Trồng loại quả không ăn được, nông dân vẫn lời được trăm triệu mỗi năm
Bài 4: “Mùa vàng” về làng Phú Diễn dịp cận Tết
Bài 5: Làng đào Nhật Tân “đìu hiu”, vắng bóng người mua
Nằm ven bờ đê sông Hồng, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên được biết đến với nghề trồng hoa, cây cảnh theo hướng hoa treo, hoa chậu, hoa thảm trang trí. Nghề trồng hoa đã mang lại kinh tế cao cho bà con nơi đây trong hàng chục năm qua. Theo thống kê năm 2020, diện tích đất trồng hoa tại địa phương đạt gần 200 hecta, ngoài ra người dân còn thuê thêm đất trồng hoa ở các vùng lân cận để canh tác. Riêng xã Xuân Quan có khoảng 1.200 hộ làm nghề trồng hoa trên diện tích 190ha. Trước đây người dân chủ yếu trồng lúa, hoa màu mang lại hiệu quả không cao và chịu ảnh hưởng nhiều của thời tiết. Hơn chục năm trở lại đây, thay đổi tư duy canh tác, nắm bắt tâm lý thích chơi hoa của thị trường, người dân xã Xuân Quan đã mạnh dạn đầu tư trồng các loài hoa. Thu nhập từ trồng hoa gấp cả 20-50 lần so với trước. Trung bình 1 hecta trồng hoa, cây cảnh mang lại doanh thu cho người dân từ 1,2-1,5 tỷ đồng mỗi năm.
Thu nhập bình quân đầu người ở Xuân Quan so với các xã lân cận cũng rất cao từ 65 triệu đồng/ người/ năm. Mức thu nhập hằng năm sau khi trừ mọi chi phí của các hộ trồng hoa hộ ít cũng 300 triệu, hộ nhiều lên tới cả vài tỷ đồng. Theo các chủ vườn hoa, nhờ việc áp dụng khoa học kỹ thuật, thay đổi phương pháp canh tác mà quanh năm ở Xuân Quan đều có hoa, cây cảnh cung cấp ra thị trường, đặc biệt nhiều loại hoa khó tính như hồng nhập ngoại, hoa giấy ngũ sắc… đều cho chất lượng tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Đặc biệt dịp Tết, nơi đây luôn là điểm ra vào tấp nhập của thương lái và người mua.
Thế nhưng đó chỉ là câu chuyện của những năm về trước, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, nhiều nhà vườn thở dài ngán ngẩm vì hoa ế. “Người vào thăm vườn thì nhiều, mua cũng có nhưng ít, chẳng bán được bao nhiêu, hàng vẫn còn nguyên”, đó là tình trạng chung của nhiều nhà vườn. Chị Nhung chủ nhà vườn Tường Nhung tâm sự: “Năm nay hàng chậm lắm, như mọi năm tầm này đã bán được ⅓ cây trong vườn nhưng thời điểm này chưa bán được bao nhiêu”.
Giá cây cảnh năm nay vẫn tương đương như mọi năm, một số cây có tăng nhẹ, còn lại chủ yếu vẫn giữ giá cũ. Người dân nắm được tâm lý của người dân nên cũng đầu tư trồng và nhập đa dạng loại như hoa hồng, hoa lan, quất, hoa bích thảo,…Những chậu cúc nhỏ giá 8-10k/ chậu, cúc mâm xôi 80k-100k và tùy vào giá buôn giá nhập.
Chị Hoàn chủ vườn nói: “Hoa dạ yến thảo được nhiều người mua nhất, bán chạy nhất mọi năm. Bình thường mỗi chậu hoa có giá 40.000 đồng nhưng năm nay chỉ bán được nửa giá”.
Không chỉ trồng những giống hoa truyền thống, người dân ở Xuân Quan còn mạnh dạn nhân giống các loại hoa ngoại nhập từ Hà Lan, Pháp… Đơn cử, giống hoa hồng từ Pháp, Hà Lan cũng được nhiều nông dân nhân giống thành công và đã bán ra thị trường, nhưng năm nay nhiều người sợ mất trắng vì không bán được.
Trái ngược trên như nhà vườn bà Năm Ánh lại hớn hở chia sẻ với chúng tôi: “Năm nay bán được, bán chạy, nhiều mặt hàng không có để bán. Nhà cô giá buôn, giá bán lẻ khác nhau, hầu hết là các loại hoa phổ biến mà người dân chuộng”. Thế nhưng đó là số ít ỏi nhà vườn vẫn còn có thể “ung dung” cho mùa tết năm nay, còn đa số các nhà vườn đều kêu trời vì nguy cơ lỗ cả trăm triệu, thậm chí vài tỷ do nhập hoa ngoại mà không có khách mua.
Ngày nay, hoa, cây cảnh ở Xuân Quan đã có mặt tại khắp các tỉnh thành trên cả nước và ngày càng khẳng định được thương hiệu của mình. Thời tiết thuận lợi sẽ là điều kiện tốt để người dân thu về “lưới cá lớn”. Nhưng đến thời điểm hiện tại bà con chỉ đang mong bán được ½ cây trong vườn mà thôi.
Hà Linh