Lâm nghiệp vượt khó, tăng tốc

Chúc Mừng Năm Mới Ngành Lâm Nghiệp

BVR&MT – Rừng vừa là tài nguyên, vừa là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng, là tài sản, nguồn lực to lớn của đất nước. Phát huy tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng để hoạt động lâm nghiệp ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó chủ động với biến đổi khí hậu, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, tạo việc làm và thu nhập cho người dân, giữ vững quốc phòng và an ninh là góp phần thành công cho mục tiêu phát triển bền vững kinh tế quốc gia. Đánh giá cao vai trò của rừng và sự đóng góp của lĩnh vực lâm nghiệp đối với sự sống của con người và thiên nhiên, ngay trong ngày đầu xuân năm mới 2022, Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Phú Hùng, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm Nghiệp Việt Nam.

Ông Nguyễn Phú Hùng, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ Thuật Lâm Nghiệp Việt Nam.

Phóng viên: Xin ông cho biết về tình hình chung của ngành Lâm nghiệp trong năm 2021?

TS. Nguyễn Phú Hùng: Năm 2021, trong điều kiện rất khó khăn, đại dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống –  kinh tế – xã hội. Mặc dù phải đương đầu với nhiều biến động, thách thức lớn nhưng ngành Lâm nghiệp đã vượt khó và đạt được kết quả tốt với nhiều con số ấn tượng. Đáng chú ý, 100% chỉ tiêu của ngành đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, nổi bật gồm có: giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 15,87 tỷ USD, vượt 20% kế hoạch đề ra và tăng 20% so với năm 2020; thu dịch vụ môi trường rừng đạt 3.115 tỷ đồng, đạt 111% kế hoạch thu năm 2021, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 42,02%, tăng 0,01% tương ứng khoảng 3.300 ha so với năm 2020, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Năm 2021, cả số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại cơ bản đều giảm so với năm 2020. Đặc biệt, tham gia Hiệp định đối tác tự nguyện Việt Nam và Liên minh Châu Âu về thực thi luật lâm nghiệp quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/ FLEGT) giúp các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU giảm thời gian giải trình về nguồn gốc gỗ hợp pháp so với các nước, là cơ hội lớn cho ngành chế biến, gỗ, lâm sản xuất khẩu vào EU.

Phóng viên: Theo ông Nhiệm vụ nào được xác định là trọng tâm trong việc phát triển và bảo vệ rừng năm 2022, thưa ông?

TS. Nguyễn Phú Hùng: Năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Lâm nghiệp chú trọng phải làm đó là thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn đến 2050. Chiến lược đã quán triệt, cụ thể hóa các quan điểm, định hướng phát triển kinh tế –  xã hội của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đối với ngành Lâm nghiệp và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 523/ QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2021.

Phóng viên:  Ông có thể  chia sẻ cụ thể hơn về kế hoạch Chiến lược này là gì?

TS. Nguyễn Phú Hùng: Dựa theo Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ có thể nói: Thứ nhất, về mục tiêu cụ thể thể hiện trên 3 lĩnh vực: kinh tế, xã hội và môi trường.

Kinh tế: Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5,0% đến 5,5%/ năm. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản: 18 đến 20 tỷ USD vào năm 2030; giá trị tiêu thụ lâm sản thị trường trong nước đạt 5 tỷ USD vào năm 2025, đạt trên 6 tỷ USD vào năm 2030. Trồng rừng sản xuất: khoảng 340.000 ha/năm vào năm 2030. Trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng với các loại cây bản địa, quý hiếm, bình quân đạt 4000 – 6000 ha/năm. Phục hồi rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, bình quân 15.000 ha/năm. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng phấn đấu đạt 35 triệu m³ vào năm 2030. Phát triển dịch vụ môi trường rừng, đa dạng hóa và mở rộng các nguồn thu phù hợp với quy định của pháp luật, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng tăng bình quân 5%/năm. Nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, năng suất và hiệu quả rừng trồng và các hệ thống nông lâm kết hợp; diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rưng bền vững đạt trên 0,5 triệu ha giai đoạn 2021-2025, trên 01 triệu ha giai đoạn 2026-2030. Đến năm 2025, giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng 1,5 lần và đến năm 2030 tăng 2 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020.

Về xã hội: Tỷ lệ lao động làm việc trong lâm nghiệp được đào tạo nghề đạt 45% vào năm 2025 và 50% vào năm 2030, đảm bảo bình đẳng giới. Đến năm 2025, có 50% và đến năm 2030 có 80% số hộ miền núi, người dân tộc thiểu số sống ở vùng có rừng tham gia sản xuất lâm nghiệp hàng hóa. Đến năm 2025, mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số làm lâm nghiệp tăng trên 2 lần so với năm 2020; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3,0%; đến năm 2030 thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung cả nước.

Về môi trường: Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định ở mức từ 42% đến 43%, đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính do quốc gia tự quyết định; xây dựng một Việt Nam xanh. Đến 2030, 100% diện tích rừng của các chủ rừng là tổ chức được quản lý bền vững; giai đoạn 2021-2025 có 10% và giai đoạn 2026-2030 có 20% diện tích rừng tự nhiên được nâng cấp chất lượng; nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học và năng lực phòng hộ của rừng; giảm thiểu tối đa các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, đảm bảo an ninh môi trường.

Đến năm 2050, ngành Lâm nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế – kỹ thuật hiện đại, hiệu quả, có sức mạnh cạnh tranh cao; phát huy hiệu quả tiềm năng lợi thế của tài nguyên rừng nhiệt đới; công nghệ hiện đại và thân thiện môi trường; tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ đa dạng, giá trị gia tăng cao, tham gia sâu rộng trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu; đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển bền vững đất nước.

Song song với mục tiêu là định hướng phát triển của Chiến lược. Định hướng phát triển theo lĩnh vực và khu vực. Trong lĩnh vực lại định hướng theo quy hoạch lâm nghiệp; quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn da dạng sinh học các hệ sinh thái rừng; phát triển, sử dụng rừng và phát triển công nghệ chế biến, thương mại lâm sản. Phấn đấu đưa nước ta trở thành một trong những trung tâm sản xuất, chế biến, thương mại lâm sản hàng đầu của thế giới thông qua việc thúc đẩy, hình thành được những doanh nghiệp lớn, khu công nghiệp lớn, hiện đại mang tầm cỡ khu vực và thế giới, đủ năng lực và công nghệ và trình độ quản trị để tổ chức sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh cao, đủ năng lực để tham gia sâu, rộng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngoài các định hướng phát triển chung theo lĩnh vực nếu trên, trong quá trình thực hiện Chiến lược, cần phát triển lâm nghiệp theo hướng khắc phục những khó khăn, tồn tại; bảo vệ, bảo tồn và phát huy những tiềm năng, thế mạnh về lâm nghiệp của từng vùng, cụ thể như vùng Trung du miền núi phía Bắc (Tây Bắc, Đông Bắc); Đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung Bộ; Nam Trung Bộ, Nam Trung Bộ; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phóng viên: Theo ông, trong quá trình triển khai, điều gì là rào cản thách thức lớn nhất?

TS. Nguyễn Phú Hùng: Khó khăn lớn nhất đó là sự huy động, bố trí nguồn vốn thực hiện Chiến lược, nhất là nguồn ngân sách nhà nước và huy động từ doanh nghiệp. Không những vậy, việc giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược không những phải thực hiện thường xuyên, liên tục mà còn thực hiện gián tiếp thông qua một số chương trình đề án của ngành lâm nghiệp….Điều này, làm ảnh hưởng gây tác động tiêu cực đến hiệu quả của mục tiêu của Chiến lược đã đề ra trước đó.

Phóng viên: Được biết, năm 2021, số tiền thu từ dịch vụ môi trường rừng được 3.115 tỷ đồng, đạt 111% kế hoạch thu của năm, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020. Có thể khẳng định, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã trở thành nguồn sinh kế lớn lao, đặc biệt là đối với người dân sống bám rừng nói riêng và là nguồn tài chính quan trọng, bền vững của toàn ngành nói chung. Tiến sĩ có thể nhấn mạnh hiệu quả của chính sách này?

TS. Nguyễn Phú Hùng: Đúng vậy, dịch vụ môi trường rừng được đánh giá là một trong những thành tựu nổi bật của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. Thời gian qua, chính sách chi trả DVMTR đã đi vào cuộc sống và trở thành nguồn tài chính bền vững, huy động nguồn vốn từ xã hội, giúp giảm áp lực cho ngân sách nhà nước trong bảo vệ và phát triển rừng, góp phần vào gia tăng giá trị của ngành lâm nghiệp cũng như tăng trưởng GDP. Nguồn tài chính này đã góp phần trong việc quản lý rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, tạo việc làm, sinh kế bền vững cũng như nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng. Bà con đã không còn phụ thuộc vào rừng mà ý thức được rừng là của mình nên tự bảo vệ. Nhận được tiền dịch vụ môi trường rừng  giúp họ cải thiện đời sống, chăm lo sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo tại nhiều địa phương.

Phóng viên: Năm 2021 nhiều biến động đã chính thức khép lại, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định về bức tranh lâm nghiệp là gam màu sáng. Với tư cách là Chủ tịch Hội Lâm nghiệp Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2025, ông có kỳ vọng gì cho sự phát triển Lâm nghiệp trong năm 2022 và những năm tiếp theo?

TS. Nguyễn Phú Hùng: Năm 2022, ngành Lâm nghiệp đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm như phấn đấu duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng 42%: nâng cao chất lượng rừng; trồng 230.000 ha rừng tập trung; trồng 122 triệu cây phân tán.; khai thác 31,5 triệu m3 gỗ; phấn đấu đạt giá trị xuất khẩu lâm sản 16 tỷ USD. Thu dịch vụ môi trường rừng khoảng 3.000 tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu Lâm nghiệp vượt khó 2021 – tăng tốc 2022, chúng ta phải có nhiều giải pháp như hoàn thiện cơ chế, chính sách lâm nghiệp trên cơ sở Luật Lâm nghiệp năm 2017, đảm bảo hài hòa với Luật Đất đai, Luật Đa dang sinh học, Luật Bảo vệ môi trường, pháp luật liên quan với điều ước quốc tế. Đổi mới cơ chế, chính sách nhằm huy động đa dạng các nguồn lực cho phát triển lâm nghiệp nói chung và phát triển lâm nghiệp gắn với giảm nghèo bền vững ở những vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số có nhiều rừng. Quản lý chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên, có cơ chế kết hợp hài hòa giữa quản lý, bảo vệ khai thác các giá trị kinh tế của rừng tự nhiên để giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội các địa phương có rừng.

Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các doanh nghiệp về các giá trị kinh tế, xã hội, môi trường, bảo vệ quốc phòng an ninh của rừng. Không những vậy, phát triển khoa học, công nghệ là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển lâm nghiệp bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh; phấn đấu đóng góp của khoa học công nghệ vào giá trị tăng trưởng ngành lâm nghiệp đạt 30%.

Tập trung nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đáp ứng yêu cầu của sản xuất và thị trường, khuyến khích đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm lâm nghiệp công nghệ cao. Ứng dụng tiến bộ công nghệ, công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị nhành lâm nghiệp, nhất là khâu chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp mới có năng suất cao, thâm canh rừng, khai thác, vận chuyển và chế biến lâm sản…

Trong giai đoạn tới, ngành Lâm nghiệp cần khai thác nguồn lực từ xác định lượng carbon tích lũy trong rừng làm căn cứ xây dựng chính sách chi trả dịch vụ carbon rừng, đây được coi là nguồn lực tiềm năng của ngành Lâm nghiệp cần chú trọng khai thác. Để hành động hóa mục tiêu, ngành Lâm nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài Nguyên và Môi trường xây dựng được hệ thống xác định tín chỉ carbon rừng.

Nhân dịp năm mới, thay mặt Ban chấp hành Trung ương Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam (VIFA) cùng các đơn vị trực thuộc Hội và đông đảo Hội viên của Hội trên toàn quốc gửi lời chúc đến Tập thể cán bộ, phóng viên, cộng tác viên Cơ quan báo chí Điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường đạt nhiều thành công và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Luôn là tiếng nói, cơ quan ngôn luận của Trung ương Hội KHKTLN Việt Nam nói riêng và trong ngành Lâm nông nghiệp, Tài nguyên và Môi trường nói chung! `

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Quỳnh Anh (Thực hiện)