BVR&MT – Ba Vì là một trong những huyện khó khăn tại Hà Nội, đặc biệt ở một số xã miền núi, nơi nhiều học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến, phải học tạm, học nhờ, thậm chí “học ké” cùng bạn bè.
Khai giảng năm học mới 2021 vừa diễn ra, theo quy định tất cả các em học sinh đều phải học trực tuyến ở tất cả các cấp học. Việc học trực tuyến cũng gây khó khăn nhất định cho thầy và trò, cùng với đó là sự lo lắng của các bậc phụ huynh về phương thức học mới này.
Để tìm hiểu về tình hình học tập của các em học sinh nhất là các em ở khu vực miền núi, điều kiện học tập, thiết bị học tập còn thiếu thốn. Nhóm phóng viên của Bảo vệ Môi trường TV – www.baovemoitruong.org.vn đã đến xã Minh Quang của huyện Ba Vì – đây là một xã miền núi, có xấp xỉ 40% là đồng bào dân tộc Mường, Dao. Bước vào năm học mới 2021 – 2022, nhiều gia đình tại đây gặp không ít khó khăn, phải gồng mình mua điện thoại thông minh, máy tính cho các con các cháu, nhiều gia đình đông con thì còn khó khăn hơn nữa.
Ông Trần Hoàng Phấn – thôn Mộc, xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội chia sẻ: “Khi bố mẹ đi làm xa, việc học của các cháu thật sự rất khó khăn vì không có người bảo ban. Gia đình điều kiện khó khăn, như bình thường đáng lẽ mỗi cháu một máy, nhưng hoàn cảnh như vậy đành khắc phục”.
Gia đình chị Phan Thị Mơ (thôn Mộc, xã Minh Quang) có 2 người con đang tuổi ăn học, con gái lớn học lớp 4 và con gái út học lớp 1. Chồng chị Mơ bị bệnh hiểm nghèo, mất sức lao động từ 2015, mọi thu nhập đều trông chờ vào chị từ mấy sào ruộng và đi làm thuê. Dịch bệnh ập đến, khiến cuộc sống gia đình chị Mơ càng thêm phần khốn khó. Năm nay các cháu đều phải học online nhưng gia đình chỉ có một điện thoại cũ, bị hỏng và không thể sử dụng. Vừa rồi chị phải cố gắng mua trả góp thêm một chiếc điện thoại khác với giá 2,5 triệu đồng, trả góp hàng tháng hơn 500 nghìn đồng. Chỉ có một chiếc máy mà có 2 chị em, nhiều lúc vẫn phải sang nhà bạn học ké. Việc cần mua thêm một điện thoại nữa trong thời điểm dịch bệnh thế này, thực sự là quá sức đối với gia đình chị.
Chị Phan Thị Mơ – thôn Mộc tâm sự: “Gia đình khó khăn nên từ khi bắt đầu khai giảng cháu phải đi học nhờ. Gia đình cũng cố gắng để mua trả góp một chiếc điện thoại để 2 cháu thay phiên nhau học. Mong dịch mau qua đi để các cháu sớm được đi học và mong nhận sự quan tâm của mọi người”.
Em Phạm Ánh Nguyệt – Lớp 1A, Trường Tiểu học Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội kể về những buổi học nhờ ở nhà bạn: “Nhà cháu chỉ có hai chiếc điện thoại, một chiếc mẹ mới mua trả góp, một chiếc mang đi sửa rồi ạ. Những buổi chị học thì cháu phải sang nhà bạn hàng xóm học nhờ”.
Gia đình chị Nguyễn Thị Trúc cũng ở tại xã Minh Quang cũng có hai con theo học, một cháu học lớp 12 và 1 cháu học lớp 9. Nhà không có máy tính nên phải học bằng điện thoại. Hoàn cảnh rất khó khăn chồng bị bệnh tật, kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào mỗi vài mảnh ruộng và nuôi vài con bò, thu nhập eo hẹp.
Vừa rồi gia đình chị cũng được xã cấp phát 1 triệu đồng, hỗ trợ cho hộ cận nghèo và gia đình cũng chắt chiu, mua rẻ của người quen được cái máy điện thoại cũ cho cháu bé học tập…
UBND xã Minh Quang cho biết xã có 12 cháu không có khả năng mua điện thoại thông minh và mua sim 3G. Chính quyền xã đã vận động các nguồn lực để hỗ trợ cho các em học sinh.
Khi phóng viên đề cập về những trường hợp thiếu thiết bị học tập và có em phải đi học nhờ cùng bạn, đại diện chính quyền nơi đây cho biết: Tại các lớp học, em nào khó khăn, không có thiết bị học online, cô giáo chủ nhiệm sẽ nắm được và thông tin đến nhà trường, rồi báo lên chính quyền địa phương và chính quyền sẽ xem xét hỗ trợ.
Theo ông Nguyễn Danh Cường – Phó Trưởng Phòng GD và ĐT huyện Ba Vì, Hà Nội: “Chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan, ban ngành Sở GDĐT, Hội Khuyến học thành phố, và các nhà trường để trao tặng các thiết bị phục vụ việc học online cho các em. Đến thời điểm cơ bản các cháu đã có thiết bị để học tập. Còn trường hợp các cháu phải mượn, phải học nhờ chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ quan tâm trong thời gian tới”.
Theo báo cáo, huyện Ba Vì có trên 200 học sinh không có khả năng mua thiết bị, phương tiện để học tập online. Sau một thời gian phát động, các ban ngành đoàn thể, tổ chức xã hội đã hỗ trợ tặng thiết bị học tập cho các em, đến nay về cơ bản các em đã được trang bị đủ các phương tiện học tập. Huyện sẽ rà soát các trường hợp nào thiếu sẽ tiếp tục vận động và có phương án để hỗ trợ cho các em, để các em có điều kiện học tập tốt nhất.
Nhóm PV – Phòng Chuyên đề MEDIA TV