BVR&MT – Ngày xưa, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao miền núi, đời sống còn nhiều khó khăn, việc tiếp cận các dịch vụ y tế hạn chế. Đi liền với đói nghèo, lạc hậu là dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Từ đó đồng bào có nhiều cách để phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh. Đặc biệt, luật tục (tập quán pháp) của đồng bào đều có những quy định xử phạt nghiêm khắc để ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh.
Những quy định nghiêm ngặt để phòng dịch
Xưa kia, đồng bào các dân tộc ở vùng Trường Sơn- Tây Nguyên đều có những quy định nghiêm ngặt trong phòng chống dịch bệnh. Khi trong làng có dịch bệnh, người trong làng không được sang làng khác. Đồng bào thường làm dấu hiệu trên các con đường vào làng bằng cách chăng dây buộc ngang đường, trồng cây chặn lối đi lại. Khách hoặc người lạ vào làng thấy “dấu cấm đi” là biết có chuyện bất ổn, tín hiệu “nội bất xuất ngoại bất nhập” và tự giác rút lui ngay lập tức mà không cần có “đội cưỡng chế ”.
Khi trong làng xảy ra dịch bệnh, bà con không được ở nhà, không được tập trung đông người mà phải phân tán vào rừng, tự cách ly để khỏi bị lây nhiễm. Nếu người trong làng đi đến buôn làng khác khi đang bị dịch bệnh thì không được về làng ngay mà ở ngoài rừng, cách ly một thời gian khá lâu sau mới được về nhà. Người nhà và bà con trong làng dựng một cái túp lều trong rừng cho người bị nghi dịch bệnh tạm trú ở đó. Gia đình cung cấp đầy đủ đồ ăn hàng ngày. Người bị cách ly không được vào các chòi rẫy, không được xuống suối uống nước, tắm ở đầu nguồn để hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ra môi trường nước. Thời gian ở trong rừng phải ít nhất từ 10-15 ngày.
Ngày xưa, mỗi làng đều có hàng rào bảo vệ. Hàng rào xung quanh làng không những để bảo vệ cuộc sống dân làng mà còn là dấu hiệu phân định giới mốc, địa vực cư trú, sở hữu đất đai, dấu hiệu thông báo điều kiêng cữ cấm tuyệt đối người ngoài vào làng khi dịch bệnh.
Những thời điểm xảy ra dịch bệnh nguy hiểm thì đồng bào gia cố, làm mới hàng rào thành nhiều lớp vòng trong, vòng ngoài rất chắc chắn. Các vị chủ làng, già làng có uy tín luôn khuyên bảo, nhắc nhở dân chúng thực hiện việc phòng chống dịch bệnh. Những người không tuân thủ sẽ bị bà con lên án. Đặc biệt, người nào vô tình làm lây lan dịch bệnh, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, tính mạng của người dân trong làng thì bị xử phạt nghiêm khắc.
Luật tục quy định xử phạt nghiêm khắc
Luật tục của đồng bào có những quy định cụ thể về việc phân xử cho các đối tượng làm lây lan dịch bệnh. Nhiều điều luật đề cập khá rõ về việc phòng và chống dịch bệnh, việc xét xử, phạt vạ những “tội trạng”, “tội danh” như “Tội bị bệnh truyền nhiễm mà không khai báo”, “Tội không khai báo người bị chết vì dịch bệnh”, “Tội làm lây truyền dịch bệnh cho người khác”, “Tội phao tin không đúng về dịch bệnh làm dân làng sợ hãi”, “Tội xông vào làng bất chấp làng có cữ vì dịch bệnh”, …
Bên cạnh xử tội làm lây lan dịch bệnh ở người, luật tục của đồng bào miền núi cũng có những điều luật quy định xử phạt đối với các tội làm lây dịch bệnh ở gia súc. Đó là “Tội không trình báo với người đầu làng về có dịch trâu bò”, “Tội không chăm sóc đàn gia súc của mình khi có dịch bệnh”…
Về “Tội bị bệnh truyền nhiễm mà không khai báo”, luật tục Ê Đê luận giải như sau: “Khi bệnh lan rộng, lây đến các làng khác, nếu không có một ai, là đàn bà hay đàn ông chạy đi báo cho cây đa đầu suối, cây sung đầu làng, báo cho những kẻ trông coi những người em, những người cháu, dân làng (như vậy thì khác nào) họ đem trăn, đem rắn bỏ vào nhà người ta, khác nào kẻ thấy dân làng khỏe mạnh sinh ra ganh ghét. Như vậy, hắn là kẻ có tội, có chuyện phải đưa ra xét xử giữa người ta với hắn”.
“Tội làm lây lây lan dịch bệnh cho người khác”, luật tục Ê Đê ghi rõ: “Những năm có thiên tai, hạn hán, thời tiết nóng nực, ông Đu, ông Điê (các vị thần tối cao trong hệ thống thần linh của người Ê Đê) thường gieo rắc tai họa. Hắn bị trời làm cho ốm đau, thế mà hắn không chịu kiêng cữ. Hắn như con voi của thần Cá Sấu đến cọ mình vào cây kcik, như con voi của thần Cá Sấu đến cọ mình vào cây kpang, hắn muốn truyền bệnh cho dân làng của tù trưởng nhà giàu. Vì hắn mà làm chết cả những tay cuốc, tay chà gạc giỏi giang, những người có tài tháo vát, khỏe mạnh. Vậy, có việc phải xét xử giữa người khác với hắn”.
Luật tục của dân tộc M’nông (phat duôih) có những quy định cụ thể về việc phân xử, xét xử cho các đối tượng làm lây lan dịch bệnh. Luật tục M’nông có hàng trăm “điều luật”, trong đó có đề cập khá rõ về việc phòng và chống dịch bệnh và xét xử, phạt vạ những trường vi phạm. Về “Tội gieo rắc, lây lan dịch bệnh cho người khác”, luật tục M’nông nói như sau: “Bon mình có bệnh lây truyền/Mình không được vào bon người khác/Nếu ta vào bon họ/Tức là truyền bệnh cho bon đó/Nếu bon họ có bệnh truyền nhiễm/Ta không được và bon của họ/Nếu ta vào bon họ/Tức là rước bệnh về làng mình/Mang bệnh về gây hại bon làng/Mang dây mây từ ngoài rừng xa/Làm cho bon làng bị gai đâm/Đổ nước tro làm cho giường mục”.
Đến nay, dù xã hội đã phát triển, song khi gặp dịch bệnh, việc đối phó với khủng hoảng này tùy theo điều kiện của từng vùng. Thực tế cho thấy, việc phòng ngừa dịch bằng cách ly, ngăn chặn từ xa trở nên hiệu quả trong việc đối phó với đại dịch Covid-19 đang bùng phát và diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Trong quá khứ, bằng nếp sống, cách ứng xử, luật tục…đồng bào các dân tộc ở vùng Trường Sơn – Tây Nguyên cũng đã tồn tại, vượt qua những cơn nguy nan và từ đó hình thành ý thức, kinh nghiệm trong việc phòng chống dịch bệnh, bảo vệ cuộc sống buôn làng.