BVR&MT – Năm nay 30 tuổi, Trương Văn Hướng, dân tộc Giáy ở xã Mường Hum, huyện Bát Xát mạnh dạn khởi nghiệp bằng việc thành lập Hợp tác xã Chè Hướng Tâm với khát vọng làm giàu bền vững từ cây chè Bát Tiên và chè Shan tuyết đặc sản.
Thu nhập cao từ cây chè
Nhiều lần đến xã Mường Hum, tôi luôn bị thu hút bởi màu xanh của những đồi chè bát ngát. Cây chè được trồng ở vùng đất này từ lâu, giờ đây tạo thành những đồi chè rộng thênh thang nhìn thẳng xuống cánh đồng Piềng Láo. Quang cảnh đẹp nhất là từ mùa xuân đến mùa hè, khi chè mọc xanh mơn mởn và bà con người Giáy, người Mông, người Dao nô nức lên đồi thu hoạch chè xuân. Lần này lên Mường Hum, tôi được anh Sí Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Mường Hum giới thiệu về cây chè đặc sản của xã và mô hình trồng và sản xuất chè của chàng trai trẻ người Giáy Trương Văn Hướng, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã. “Chú Hướng còn trẻ nhưng tâm huyết, năng nổ, nhiệt tình, luôn có khát vọng làm giàu từ cây chè. Xã đang kỳ vọng vào mô hình khởi nghiệp của Hướng để phát triển sản phẩm chè đặc sản nâng cao thu nhập cho người dân ” – anh Kiên cho biết.
Tôi gặp Trương Văn Hướng trên đồi chè xanh mơn mởn đang vào vụ thu hoạch. Màu áo thiên thanh quen thuộc của đoàn viên hòa với màu xanh mơn mởn của đồi chè đang vào vụ mới. Chỉ tay ra vùng chè xanh bát ngát phía trước, Hướng bảo cây chè không khó trồng nhưng để có được loại chè thơm ngon thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng nhất là điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước. Xã Mường Hum nằm dưới chân núi Ky Quan San quanh năm mây phủ, lại có suối Mường Hum trong xanh bốn mùa, không khí mát mẻ, trong lành, xung quanh là những mỏm đồi như bát úp, rất thuận lợi cho việc trồng và thu hoạch chè.
Nhanh tay hái chè, Trương Văn Hướng cho biết, đồi chè này gia đình anh trồng từ năm 2002, ban đầu chỉ có 1 ha, đến giờ đã được mở rộng khoảng 3 ha, với 2 giống chè là Shan tuyết và Bát Tiên. Trước đây, khi mới đầu tư trồng chè, gia đình anh được một doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, nhưng chỉ được 2 năm, doanh nghiệp không thu mua nữa khiến việc tiêu thụ gặp khó khăn. Nhiều hộ trồng chè khác chán nản, bỏ cây chè không chăm sóc hoặc chặt bỏ, nhìn mà xót xa. Mất bao công sức với đồi chè, không đành lòng bỏ chè mọc hoang, gia đình anh mua máy sao chè, vò chè về tự chế biến chè khô để bán.
Sau khi học xong THPT, Trương Văn Hướng đi làm thuê xa nhà nhưng luôn trăn trở vì bố mẹ vất vả với đồi chè thu nhập cũng không cao. Trở về Mường Hum, chàng thanh niên người Giáy nung nấu quyết tâm phát triển cây chè. Nhận thấy nguồn nguyên liệu chè nhiều, trong khi gia đình anh chỉ có 2 máy sao chè, Hướng mạnh dạn đầu tư 200 triệu đồng mua thêm 2 máy sao chè, 3 máy vò chè để sản xuất chè với số lượng lớn phục vụ nhu cầu thị trường. Cùng với chè của gia đình, Hướng còn thu mua búp chè tươi của các hộ trong vùng để chế biến thành chè khô. Mỗi năm, gia đình anh thu mua khoảng 30 tấn búp tươi chè Shan tuyết và 5 tấn búp chè Bát Tiên. Trừ chi phí, thu nhập của gia đình Trương Văn Hướng từ cây chè luôn ổn định ở mức 150 – 200 triệu đồng/năm.
Hướng tới sản phẩm OCOP
Dẫn tôi đi tham quan đồi chè của gia đình, Trương Văn Hướng chia sẻ bí quyết cho ra loại chè hảo hạng để khách hàng chỉ dùng một lần là nhớ mãi. Theo anh, chè Bát Tiên, Shan Tuyết trồng trên đất Mường Hum hợp khí hậu, thổ nhưỡng, vốn đã rất thơm ngon, nhưng để sản phẩm chinh phục được những khách hàng sành chè nhất, luôn phải quan tâm tới kỹ thuật chế biến chè. Chè ngon nhất khi hái vào ngày trời nắng, trong khoảng từ 8 đến 9 giờ sáng, sau đó được phơi héo khoảng 2 tiếng trước khi sao. Quá trình sao chè cũng có bí quyết riêng, trong đó giai đoạn sao luộc, lửa thật to thì chè mới xanh, còn sao lần 2 lửa vừa phải và thật đều, khi sao lần 3 đánh mốc thì cần giữ lửa nhỏ thì chè mới thơm và từng cánh chè đều, đẹp, không bị gãy.
Những năm gần đây, đầu ra cho sản phẩm chè ở Mường Hum gặp khó khăn do doanh nghiệp không thu mua nữa, nên gia đình phải tự xoay sở tìm mối bán lẻ. Sau nhiều năm trồng chè, bán chè, sản phẩm chè Shan Tuyết, Bát Tiên của gia đình Trương Văn Hướng đã được nhiều người ưa chuộng và tin dùng. Tuy nhiên, để xuất bán chè số lượng lớn vẫn là bài toán khó. Từ tháng 4/2021, được UBND xã Mường Hum ủng hộ, Trương Văn Hướng thành lập Hợp tác xã Chè Hướng Tâm với 7 thành viên, tổng diện tích chè của hợp tác xã hơn 10 ha.
“Nếu chỉ dừng ở việc sao chè rồi đóng túi đơn giản để bán lẻ thì sản phẩm chè Mường Hum dù thơm ngon đến mấy cũng khó cạnh tranh trên thị trường. Vì thế, cần phải sản xuất theo hướng hàng hóa và xây dựng thương hiệu chè riêng. Tôi mong việc thành lập hợp tác xã sẽ là cơ sở để xây dựng thương hiệu chè Bát Tiên, chè Shan Tuyết Mường Hum, nâng tầm chè Mường Hum trở thành sản phẩm OCOP. Ngoài sản phẩm chè khô như hiện nay, chúng tôi cũng đã nghĩ tới đa dạng hóa các sản phẩm từ chè phục vụ nhu cầu thị trường trong thời gian tới”, Trương Văn Hướng cho biết.
Khi hỏi về các hoạt động cụ thể của Hợp tác xã Hướng Tâm, Trương Văn Hướng cho biết, hợp tác xã mới thành lập, còn non trẻ, đang trong giai đoạn tìm tòi, thử nghiệm nên chưa có nhiều hoạt động nổi bật, bản thân anh cũng chưa có nhiều kinh nghiệm nên đang tích cực đi học tập các mô hình khác để vận dụng và có hướng đi hợp lý. Cũng dể hiểu thôi, bởi “vạn sự khởi đầu nan”. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, với quyết tâm và khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương, bằng những bước đi chắc chắn, sáng tạo, chàng thanh niên người Giáy Trương Văn Hướng đang gieo niềm tin cho người trồng chè Mường Hum vào những thành công trong tương lai.