BVR&MT – Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV, sáng 23/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2018, Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018. Sau đó Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự kiến Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2018; Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018.
Việc xây dựng Luật cần tính toán kỹ
Phát biểu thảo luận ở tổ về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2018, đại biểu Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) cho rằng khi xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2018 Quốc hội cần tính toán kỹ và điều chỉnh làm sao cho phù hợp.
Về nguyên tắc điều chỉnh, xây dựng Luật và Pháp lệnh năm 2018, Quốc hội cần quan tâm tới cac dự án, dự thảo Luật nguồn lực ở đâu, thời gian thực hiện như thế nào Quốc hội cần tính toán kỹ. “Theo tôi cần xem xét khi sửa đổi, bổ sung nhưng luật vừa được Quốc hội thông qua, được ban hành đã phải sửa đổi dẫn tới việc lãng phí nguồn lực”, đại biểu Nguyễn Công Hồng kiến nghị.
Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Hoàng Anh (Cao Bằng) cũng cho rằng: Khi xây dựng Luật, Quốc hội cần tính toán kỹ đến nguồn lực. Khi chúng ta đưa vào xây dựng Luật ví dụ như Luật sĩ quan quân đội, Luật Công an xã… cần xem xét xem nguồn lực tài chính ở đâu. Với những tỉnh kinh tế xã hội khá thì đơn giản nhưng ở những tỉnh kinh tế xã hội khó khăn như Cao Bằng thì việc thực hiện rất khó khăn. “Trong quá trình giám sát Luật năm 2018, Quốc hội cũng cần triển khai chặt chẽ, trọng tâm để việc xây dựng Luật bài bản, tránh lãnh phí”, đại biểu Nguyễn Hoàng Anh kiến nghị.
Theo đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), trong kỳ họp này nếu Quốc hội sửa đổi Luật, Pháp lệnh thì có tới 32 Luật cũng cần chỉnh sửa. Cho nên Chương trình xây dựng Luật năm 2018 cần làm bài bản, chi tiết.
Quan tâm tới việc giám sát Luật
Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng cho rằng, trong việc giám sát thực thi Luật, Pháp lệnh năm 2018, Quốc hội giám sát việc hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Bởi cả nước hiện có 53 dân tộc thiểu số sống ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa với dân số khoảng 1,4 triệu người. Đây cũng là vùng rất khó khăn, vùng nghèo, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, chính sách cho vùng miền núi, dân tộc thiểu số còn khó khăn.
Do ở vùng miền núi, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, kinh tế – xã hội còn khó khăn nên Quốc hội cần giám sát chặt chẽ các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. “Theo tôi biết từ Quốc hội khóa XIII đến nay chúng ta chưa có chương trình giám sát cụ thể nào về hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, đại biểu Hà Ngọc Chiến cho hay.
Cũng theo đại biểu Hà Ngọc Chiến, năm 2018 Quốc hội sớm đưa vào xây dựng Luật hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số miền núi, Bộ Chính trị cũng đã cho ý kiến về vấn đề này cần nghiên cứu kỹ hơn. Từ năm 1993 khi chúng ta xây dựng Luật Dân tộc nhưng nó rất rộng, có giai đoạn cũng đã đổi tên thành Luật Dân tộc thiểu số và bây giờ Quốc hội xây dựng Luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi nó hẹp hơn, dễ thực hiện.
“Ủy ban Dân tộc cũng đã chuẩn bị rất kỹ nội dung này và xin ý kiến các bộ ngành. Hội đồng Dân tộc Quốc hội cũng đã đưa vào chương trình xây dựng Luật năm 2018. Tôi rất đồng tình trong việc giám sát chuyên đề này để Quốc hội có thông tin, có căn cứ xây dựng Luật”, đại biểu Hà Ngọc Chiến nêu ý kiến.
Phát biểu về việc giám sát, xây dựng Luật năm 2018, đại biểu Nguyễn Hoàng Anh (Cao Bằng) cho rằng: “Tôi đề nghị Quốc hội cần sớm triển khai xây dựng Luật hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Thời gian qua, việc đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi rất hạn chế, nhất là những vùng ít có điều kiện phát triển. Vấn đề đầu tư cho miền núi như sự “bố thí”, cho nên khu vực dân tộc thiểu số, miền núi nơi có đông đồng bào dân tộc ít có điều kiện phát triển”, đại biểu Nguyễn Hoàng Anh phát biểu.