BVR&MT – Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người lính nơi trận mạc luôn có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng. Chính vì thế, Người thường xuyên quan tâm và dành cho chiến sĩ những tình cảm yêu thương và trân quý cùng sự quan tâm đặc biệt mỗi dịp Xuân về. Ngoài việc gửi thư thăm hỏi, chúc tết, nếu sắp xếp được thời gian, Người đến tận nơi thăm hỏi, chúc tết, động viên tinh thần các chiến sĩ.
Những bức thư chan chứa tình thương yêu
Là người sáng lập, rèn luyện, giáo dục và dìu dắt, theo dõi Quân đội ta ngay từ những ngày đầu thành lập, Bác Hồ rất thấu hiểu sự gian khổ, hy sinh to lớn của những người lính trong các cuộc kháng chiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiểu rằng, những ngày tết là những ngày họ buồn hơn cả, nên trong mỗi bức thư gửi các chiến sĩ, Người đều thể hiện tình cảm trìu mến, thân thương, biết ơn những người lính không quản gian khổ, không được hưởng cái Tết đoàn viên để “canh giữ mùa Xuân” cho dân tộc và hòa bình cho Tổ quốc.
Ngay cái tết độc lập đầu tiên của đất nước, trong bài Tết đăng trên Báo Cứu quốc, số 147 ra ngày 21/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn nhận những khó khăn, gian khổ và hi sinh của những người con ưu tú của dân tộc đang cầm súng bảo vệ đất nước. Người kêu gọi đồng bào và đoàn thể chăm lo cho mọi người, trong đó, hơn ai hết, không ai khác và trước tiên đó là các chiến sĩ ngoài mặt trận và thân nhân của họ: “Tôi kêu gọi đồng bào và các đoàn thể làm thế nào để chia sẻ cuộc vui Xuân mừng Tết với: Những chiến sĩ oanh liệt ở trước mặt trận/ Những gia quyến các chiến sĩ/ Những đồng bào nghèo nàn. Sao cho mọi người đều được hưởng các thú vui về Tết Xuân đầu tiên của nước Việt Nam độc lập”.
Tết Đinh Hợi ngày 27/1/1947, trong Thư gửi các chiến sĩ cảm tử quân Thủ đô, Bác Hồ đã viết thư bằng tình cảm vô cùng gần gũi và thân thương: “Cùng các chiến sĩ yêu quý Trung đoàn Thủ đô”. Người ân cần hỏi thăm và bày tỏ tình cảm với các chiến sĩ cảm tử quân Thủ đô như con em ruột thịt của mình: “Các em ăn Tết thế nào? Tôi và nhân viên Chính phủ vì nhớ đến các em cho nên cũng không ai nỡ ăn Tết”. Người khẳng định công lao của các chiến sĩ: “Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau”.
Người động viên và căn dặn các chiến sĩ cảm tử quân Thủ đô phải thực hiện cho bằng được 4 nhiệm vụ: “1. Phải hết sức khôn khéo, nhanh chóng, bí mật, phải biết cách hoá chỉnh vi linh. 2. Phải rút kinh nghiệm hàng ngày hàng giờ. Phải đề phòng Việt gian trinh thám. 3. Phải hết sức cẩn thận. Phải luôn luôn có sáng kiến để lợi dụng thời cơ. 4. Tuyệt đối đoàn kết”.
Kết thúc bức thư, Người không quên động viên, khích lệ tinh thần các chiến sĩ để họ sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ vẻ vang: “Các em hăng hái tiến lên, lòng Già Hồ, lòng Chính phủ và lòng toàn thể đồng bào luôn luôn ở bên cạnh các em. Tôi thay mặt Chính phủ và đồng bào gửi cho các em lời chào thân ái và quyết thắng”.
Tới những lần thăm, chúc tết bộ đội trên trận địa
Với những thương binh, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành cho những tình cảm đặc biệt cùng sự biết ơn sâu sắc bởi họ người trực tiếp đứng trên tuyến đầu đánh quân xâm lược, “nếm mật nằm gai” nơi chiến trường và đối mặt với muôn vàn gian khó, hiểm nguy ở những nơi thâm sơn cùng cốc, nhiều cán bộ, chiến sĩ quân đội đã chiến đấu mưu trí, quả cảm, hy sinh anh dũng, để lại một nỗi đau khôn nguôi cho gia đình, người thân, làng xóm, quê hương, đất nước. Tết năm 1955, Bác Hồ đến thăm Trường Thương binh hỏng mắt, Người tặng cho anh em chiếc áo mà đồng bào miền Nam gửi tặng Người. Người luôn khẳng định công lao của những thương binh và động viên họ “Thương binh tàn nhưng không phế” – câu nói đơn giản, sâu sắc nhưng đã khuyến khích tinh thần lạc quan của những người đã phải mất đi một phần xương máu cho tổ quốc…
Sáng Mồng Một Tết Nhâm Dần, ngày 5/2/1962, Bác đến thăm và chúc Tết Đại đội 109 thuộc Đoàn pháo cao xạ sông Đuống và Trung đoàn phòng không 220. Thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ, Bác chúc Tết, căn dặn cán bộ, chiến sĩ: Năm qua, các chú học tập, công tác tốt, đã được khen thưởng. Các chú không được chủ quan thỏa mãn. Năm nay càng phải cố gắng hơn nữa để đạt thành tích cao hơn.
Vào ngày mùng 8 Tết Quý Mão, ngày 3/2/1963, nhân dịp kỷ niệm 33 năm Ngày thành lập Đảng, Bác Hồ đến thăm Đại đội 129, Trung đoàn 260 Bộ đội Phòng không, đóng quân tại Tiên Hội, Đông Anh, Hà Nội. Bác ân cần thăm hỏi tình hình sức khỏe, kết quả học tập và đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội. Bác căn dặn đơn vị phải tăng cường đoàn kết, cán bộ, chiến sĩ phải thương yêu nhau như con một nhà; phải tích cực rèn luyện làm chủ vũ khí và thường xuyên nêu cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Bác nhắc các chiến sĩ “Phi lao nên trồng ngoài hàng rào, quanh vườn hoa nên trồng nhãn, vừa đẹp lại vừa có quả mà ăn, trồng cây nào phải bảo đảm sống cây ấy…”.
Sáng sớm Mồng Một Tết Bính Ngọ ngày 2/1/1966, Bác đến thăm, chúc Tết Trung đội 2 súng máy phòng không 14,5mm thuộc Tiểu đoàn 62, Trung đoàn 236, tại trận địa đặt trên đê Mai Lĩnh bên sông Đáy. Dẫu trời mưa, đường trơn, Bác vẫn lên mâm pháo trao quà, hỏi thăm các chiến sĩ ngồi trên mâm pháo dưới trời mưa, ân cần hỏi thăm từng người có đủ áo ấm không, có vải bạt che mưa không. Các chiến sĩ vô cùng cảm động trước tình cảm và sự quan tâm của Người dành cho.
Vào sáng Mồng Một Tết Đinh Mùi 9/2/1967, cán bộ, chiến sĩ Phòng không Hà Nội lại vui mừng được cùng đoàn đại biểu đón Bác Hồ đến vui Tết với bộ đội. Bác khen cán bộ, chiến sĩ Phòng không không quân năm qua lập nhiều thành tích, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ và chúc mọi người “Sang năm mới hãy tăng cường đoàn kết, học tập tiến bộ, đánh giỏi hơn, thu thêm nhiều thắng lợi mới”.
Đến năm 1969, tuy tuổi cao sức yếu nhưng Bác vẫn muốn đến tận nơi thăm các chiến sĩ. Đúng mùng một Tết Kỷ Dậu 1969, ngày 16/2/1969, 6 giờ 30 sáng, Bác cùng các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng đến thăm và chúc tết cán bộ chiến sĩ Quân chủng Phòng không không quân tại sân bay Bạch Mai – Hà Nội. Bác căn dặn: “Các cô chú phải nhớ mấy điều: Một là, phải luôn luôn đoàn kết và lao động giỏi. Hai là, phải luôn luôn cảnh giác sẵn sàng chiến đấu… Ba là, các cô, các chú đóng quân ở đâu thì phải giúp đỡ đồng bào làm công tác phòng không cho tốt, nhắc nhở mọi người không được lơ là mất cảnh giác. Các cô chú phải luôn rèn luyện cho tốt…”.
Đây là cái tết cuối cùng bác đi thăm hỏi, động viên những người chiến sĩ trên trận địa, nhưng những tình cảm ấm áp, yêu thương của Bác vẫn còn lan tỏa đến tận ngày nay. Trong tâm khảm của Người, những cán bộ chiến sĩ là những người cần được quan tâm, động viên nhất; những thương binh và người nhà của họ là những người cần chia sẻ giúp đỡ nhất. Bác luôn căn dặn các cấp chính quyền phải chăm lo cho đời sống bộ đội, quan tâm chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và tạo công ăn việc làm cho bộ đội phục viên, chuyển ngành. Năm 1969, trước khi đi về cõi vĩnh hằng, Người vẫn căn dặn trong di chúc “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”, “Việc quan trọng sau chỉnh đốn Đảng là phải chăm lo đối với những người đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh một phần xương máu và những người đã trở thành liệt sĩ cùng thân nhân của họ quyết không để họ đói rét”. Tâm nguyện của Người vẫn đang được toàn Đảng, toàn dân thực hiện với mức độ cao nhất, không để một gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình người có công sống trong nghèo khổ; gia đình các cán bộ chiến sĩ không phải sống trong cảnh khó khăn.
Xuân này, mặc dù đất nước đang sống trong hòa bình, kinh tế phát triển, nhưng những người chiến sĩ vẫn đang phải chắc tay súng bảo vệ biên cương. Họ không chỉ có nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển của tổ quốc, họ còn thêm nhiệm vụ lớn lao là ngăn chặn dịch bệnh tràn vào đất nước qua đường biên, lối mòn. Chưa hết gian lao, hàng ngày, hàng đêm, những người lính vẫn phải ở chốt tạm, nhà bạt để bảo vệ cuộc sống yên bình của người dân. Đảng, Nhà nước và nhân dân không quên những người lính, lãnh đạo các cấp, các ngành và địa phương luôn quan tâm đời sống vật chất và tinh thần họ; làm tốt chính sách hậu phương quân đội, động viên và chung tay chia sẻ những khó khăn của gia đình họ. Một mùa xuân mới đang về, hy vọng những khó khăn trước mắt sẽ qua đi, đất nước trở lại yên bình, để những người lính bớt gian lao, hưởng trọn vẹn niềm vui cùng đất nước.