BVR&MT – Những đêm múa xòe đoàn kết đã từ lâu trở nên quen thuộc, gắn bó với mảnh đất, con người Lai Châu. Xòe Thái của 4 tỉnh Tây Bắc (trong đó có tỉnh Lai Châu) ngày càng khẳng định vị thế khi vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch tổng thể và đang xây dựng hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật xòe Thái” trình UNESSCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể.
Nơi khởi nguồn điệu xòe dân gian
Nghệ thuật xòe Thái ở tỉnhLai Châu bắt nguồn từ huyện Phong Thổ – nơi nhạc suối róc rách, tâm hồn con người rộng mở với những điệu xòe hòa trong tiếng trống, chiêng, tính tẩu rộn rã ngày hội bản mường. Nghệ nhân dân gian lâu đời ở vùng này kể lại rằng, trong các lễ hội như Then Kin Pang, có đến 36 lời hát, múa then và xòe Thái bắt nguồn từ điệu múa nhịp nhàng, uyển chuyển ấy. Nhịp chân bước lên, tiến, lùi, bàn tay nắm tay tạo thành vòng xòe trong, vòng ngoài vòng trong đi song song, vòng ngoài vòng trong đi xuôi ngược là nét văn hóa được chắt lọc ngay từ đời sống giản dị thường ngày của Nhân dân vùng ven sông nước.
Ngược dòng thời gian lịch sử trở lại những ngày Nhân dân còn phải sống dưới hai tầng áp bức, đô hộ của thực dân Pháp và vua Thái Đèo Văn Ân cũng là thời các điệu xòe được ưa chuộng, hưng thịnh. Tương truyền rằng, Đèo Văn Ân yêu thích các điệu múa xòe nên tuyển hàng trăm cô gái xinh đẹp, xòe giỏi nức tiếng của xứ Mường So chỉ để phục vụ biểu diễn trong dinh thự. Các điệu xòe lúc này đã được phối với nhiều đạo cụ: xoỏng, quạt, khăn, nón… buổi tiệc linh đình có rộn ràng nhạc, mơn man áo váy lộng lẫy đêm xòe. Điệu xòe tủi hờn theo năm tháng đã nguôi ngoai, song tinh hoa của nhịp xòe và quan niệm thẩm mỹ của dân tộc vẫn còn mãi trong tâm trí mỗi người con dân tộc sinh ra, lớn lên ở vùng này. Không chỉ dân tộc Thái, điệu xòe như đã thấm sâu trong tâm thức mỗi con người, để khi tiếng nhạc cất lên là ai cũng hòa được vào vòng xòe ấy.
Xòe Thái giờ đây không còn gói trọn trong nét đặc trưng văn hóa của một dân tộc mà được nâng lên thành món ăn tinh thần của 20 dân tộc anh em. Sinh hoạt cộng đồng này ngày càng có mặt trong những ngày hội lớn của toàn tỉnh để mọi người thêm xích lại gần nhau, thêm gắn kết thân tình bè bạn. Dù ở trung tâm thành phố Lai Châu hay ở 7 huyện hoặc các xã, những ngày lễ lớn thu hút đông đảo người dân tham dự. Sau các tiết mục văn nghệ giao lưu đều xuất hiện đêm lửa trại và vòng xòe sôi động mời gọi bàn tay nắm bàn tay, bàn chân hòa nhịp bước, khi câu hát ngân lên, điệu trống rộn ràng cũng là lúc các điệu xòe thân ái mở rộng thêm. Bà Lý Thị Lả – Đội trưởng đội múa không chuyên “Mùa ban trắng” ở phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu chia sẻ rằng, 12 thành viên trong đội múa thành thạo các điệu múa cổ cũng như múa cải biên. Tham gia các hoạt động ngày lễ, tết của phường, thành phố, các bà thường vui trong đêm xòe cùng bà con. Các điệu múa xòe từ bước đi tới các nhịp chân nay cũng đã cải biên, đi vào sân khấu nghệ thuật thành một số điệu múa để các bà đem xòe đến nhiều nơi biểu diễn. Điệu xòe thân thương hiển hiện cả trong lời các bài hát của nhạc sỹ trong và ngoài tỉnh…
“Vui trong đêm hội xòe/Xao xuyến lòng thương nhau… Mời anh đến Lai Châu vui điệu xòe hoa/Mời anh đến Lai Châu vui trong câu hát: inh lả ơi, inh lả ơi!” – nhạc điệu trong bài hát “Vui đêm hội xòe” của Nghệ sỹ ưu tú Đức Liên viết đã níu lòng du khách. Để một lần tới đây, cùng thăm thú cảnh sắc hùng vĩ núi đồi, hòa trong không gian chộn rộn vòng xòe, mọi người sẽ thấy tâm hồn thư thái, phóng khoáng hơn.
Bảo tồn tài sản văn hóa phi vật thể
Những đêm xòe Thái cũng trở thành nét đặc trưng được nhiều bản du lịch cộng đồng gìn giữ, đặc biệt là tổ chức trong các ngày nghỉ lễ, khi khách du lịch đến với tỉnh Lai Châu. Xòe Thái không chỉ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận năm 2014 mà còn là hoạt động không thể thiếu trong phát triển du lịch – ngành “Công nghiệp không khói”, được du khách yêu thích, đón nhận. Sức sống lâu bền của điệu xòe lan tỏa bất tận, tạo nên sức hấp dẫn, sự say đắm cho mỗi ai từng hòa trong điệu xòe. Tài sản phi vật thể này không chỉ tồn tại ở khu vực Tây Bắc mà đã có mặt trong những đêm hội lớn của đất nước và xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam: năm 2009, “Vòng xòe đại đoàn kết” của tỉnh Lai Châu số lượng 1.332 người; năm 2013, màn đại xòe cổ góp mặt đến 2.013 diễn viên, nghệ nhân của thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái).
Trong các hoạt động gìn giữ điệu xòe, không thể không kể đến sự đóng góp của các đội văn nghệ của các bản, nhất là các bản văn hóa du lịch. Đến xã Mường So, du khách khi nghỉ ở bản văn hóa cộng đồng Vàng Pheo, ngoài thưởng thức những món ăn độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Thái thì đêm xòe sôi động là điểm nhấn ấn tượng. Khi màn đêm buông xuống bản nhỏ ven suối, ngọn lửa giữa sân nhà sàn Nhà văn hóa bản được đốt lên bập bùng, các cô gái Đội văn nghệ bản mái tóc búi cao lộ ngấn cổ trắng ngần, uyển chuyển trong áo cóm váy nhung, xà tích bạc buông hờ bên hông mời khách vui điệu xòe. Chỉ vài bước đi, cái nắm tay nhịp nhàng, chủ – khách đã quen thân, cảm giác thoải mái, sảng khoái, vui hòa vào đất trời. Cảm xúc phóng khoáng níu chân bất kỳ ai một lần đến với xòe.
Nếu ví múa dân gian là một trong những nét đặc sắc văn hóa nghệ thuật miền Tây Bắc thì múa xòe Thái là mốc son bền vững, điểm nhấn ấn tượng của nền văn hóa giàu bản sắc. Múa xòe Thái đã “vượt biên” ra khỏi dân tộc, trở thành nghệ thuật đặc sắc, sáng tạo, làm giàu cho nghệ thuật múa dân gian. Bảo tồn vốn quý ấy, hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật xòe Thái” đang được xây dựng ở 4 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái. Trong đó chia làm 3 giai đoạn từ 2017-2019 để lần lượt thực hiện các việc: thu thập văn bản, điền dã, kiểm kê, lấy phiếu cộng đồng, quay phim, chụp ảnh, hoàn thiện hồ sơ, tổ chức hội thảo, quảng bá, tuyên truyền và bảo vệ hồ sơ ở UNESSCO.
Tính đến nay, nước ta đã có những di sản văn hóa phi vật thể được UNESSCO công nhận như: Nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, quan họ Bắc Ninh, ca trù, hát xoan, đờn ca tài tử Nam Bộ. Mỗi loại hình được công nhận không chỉ chứng tỏ được sức sống trường tồn lan tỏa qua nhiều thời kỳ lịch sử, không gian. Xòe Thái được vinh danh sẽ là niềm tự hào chung của miền đất Tây Bắc, tuyên truyền, quảng bá rộng khắp về vốn tài sản vô giá của dân tộc. Qua đó, góp phần phát triển du lịch cộng đồng địa phương, đồng hành cùng các tỉnh miền núi trong giai đoạn hội nhập của đất nước.