BVR&MT – Làng đá Khuổi Ky thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng nổi tiếng với những ngôi nhà sàn làm bằng đá trăm tuổi của người dân tộc Tày. Nhận thấy tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế du lịch, trong những năm qua huyện đã chú trọng phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại ngôi “làng đá” giúp dân bản vượt lên thoát nghèo.
Bài liên quan:
Hà Quảng – Cao Bằng: Ấm áp Lễ trao quà và học bổng cho các em học sinh vùng cao biên giới lần thứ 14
Khám phá làng nghề rèn dao Phúc Sen
Nằm giữa 2 điểm du lịch thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao, những ngôi nhà sàn đá mang vẻ đẹp nguyên sơ, dáng dấp cổ kính giữa không gian bao la của núi rừng biên giới đến nay vẫn được gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn qua nhiều thế hệ.
Ngôi “làng đá” mang đậm nét văn hóa đặc sắc của người Tày
Làng Khuổi Kỵ hiện có 100% dân số là dân tộc Tày, ngôi làng rộng khoảng 1ha gồm 14 nóc nhà trong thế lưng tựa vào núi, mặt hướng về dòng suối Khuổi Ky. Người dân trong làng cho biết, nhà ở của họ chọn vật liệu đá để làm từ tục thờ thần đá, đối với họ đá chính là khởi nguồn sự sống và trong tâm thức của người Tày, đá vô cùng thiêng liêng. Đây cũng chính là nét văn hóa mang đặc trưng riêng của dân tộc người Tày ở Trùng Khánh.
Những ngôi nhà sàn làm bằng đá có kiến trúc rất độc đáo, được thiết kế có 2 mái, lợp bằng ngói âm dương. Tường nhà, bờ rào được dựng lên từ hàng vạn viên đá tạo nên nét đặc biệt, khác hẳn với những ngôi nhà sàn bằng gỗ quen thuộc. Những ngôi nhà đều làm hoàn toàn bằng sức người, để hoàn thành 1 ngôi nhà ở đây cũng phải mất 2-3 năm từ khâu chuẩn bị cho tới lúc hoàn thành, tùy thuộc vào căn nhà lớn hay nhỏ.
Nhà sàn đá thường cao khoảng 8m, có 3 gian. Bên trong nhà có các khung ván gỗ ngăn chia thành các gian sinh hoạt đặc trưng của người Tày gồm gian thờ cúng tổ tiên, gian bếp lửa (sinh hoạt chung) và các phòng ngủ cho mỗi thành viên trong gia đình. Dọc theo những xà nhà, từng bó lúa khô còn trĩu hạt được người dân bày trí đẹp mắt sau những vụ mùa bội thu.
Không chỉ những ngôi nhà sàn được làm bằng đá mà đá còn hiện hữu ở rất nhiều nơi khác trong ngôi làng đặc biệt này. Dù đã trải qua thời gian dài nhưng người dân làng Khuổi Ky vẫn lưu giữ nét phong tục truyền thống thờ thần đá để truyền từ đời này qua đời khác với mong muốn những thế hệ sau này có một cuộc sống đầy đủ, ấm no, hạnh phúc.
Đẩy mạnh phát triển mô hình du lịch cộng đồng
Tận dụng lợi thế về cảnh sắc thiên nhiên và nét văn hóa đặc trưng vốn có, việc phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc đang được địa phương đặc biệt chú trọng. Mô hình trải nghiệm “homestay” tại ngôi làng đang nhận được nhiều sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế, khách du lịch khi tới đây sẽ được khám phá, sinh hoạt theo văn hóa người Tày trong nhà sàn đá cùng nhiều hoạt động hấp dẫn khác.
Từ năm 2017, mô hình homestay bắt đầu đi vào hoạt động và đem lại hiệu quả, mỗi năm đều thu hút hơn 5.000 lượt khách lưu trú, đặc biệt là khách nước ngoài. Đến năm 2018, Nhà nước chi hơn 8 tỉ đồng để tu sửa lại nhà và đường đi lại thuận tiện tạo điều kiện cho bà con phát triển du lịch.
Làng Khuổi Ky hiện có 7 gia đình cung cấp dịch vụ homestay, có đủ các điều kiện vật chất thiết yếu để phục vụ như: buồng ngủ, nhà vệ sinh khép kín, bình nóng lạnh. Ngoài ra, nhà đá cộng đồng cũng được sử dụng để đón khách với sức chứa lên đến 100 người.
Ông Nông Văn Phú – một chủ homestay cho biết: “Từ khi bắt đầu kinh doanh cho đến nay gia đình đã đón được rất nhiều đoàn khách du lịch, chủ yếu là khách nước ngoài. Mỗi đoàn khách chỉ dám nhận nhiều nhất là 27 người do sức chứa của ngôi nhà còn hạn hẹp. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền việc kinh doanh cơ bản thuận lợi, thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, thời gian gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh nên gia đình không dám nhận khách để đảm bảo công tác phòng, chống dịch”.
“Nhờ chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc của Nhà nước nói chung và tỉnh Cao Bằng nói riêng. Năm 2018, được chính quyền hỗ trợ hơn 8 tỷ đồng để nhân dân trùng tu, sửa chữa lại những căn nhà đã xuống cấp, mở rộng đường vào bản” ông Phú chia sẻ.
Tại đây, các hộ dân sẽ cùng nhau phục vụ du khách ăn uống, ngủ nghỉ, tổ chức và hướng dẫn du khách tham gia các hoạt động văn nghệ thú vị như hát then, đàn tính, hát sli… Ngoài tìm hiểu những ngôi nhà sàn đá cùng nét văn hóa của người Tày du khách còn có thể khám phá danh lam thắng cảnh thác Bản Giốc – động Ngườm Ngao.
Mô hình du lịch homestay phát triển góp phần quảng bá nét văn hóa đặc trưng của người Tày đến với đông đảo du khách. Thời gian qua, nhờ phát triển đúng hướng, nguồn thu từ dịch vụ du lịch giúp người dân có thêm thu nhập, từ một xã nghèo của tỉnh Cao Bằng vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Hoàng Tôn