Khám phá làng nghề rèn dao Phúc Sen

BVR&MT – Cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 30km về phía đông, chỉ mới đặt chân tới Phúc Sen, chúng tôi đã có thể nghe thấy tiếng quai búa vang lên khắp bản làng.

Bài liên quan:

Hà Quảng – Cao Bằng: Ấm áp Lễ trao quà và học bổng cho các em học sinh vùng cao biên giới lần thứ 14

Cao Bằng: Thoát nghèo nhờ phát triển du lịch cộng đồng

Trong chuỗi hành trình trải nghiệm và tặng quà cho học sinh vùng cao, biên giới lần thứ 14 tại xã Quý Quân, Hà Quảng, Cao Bằng, đoàn chúng tôi đã đến làng nghề rèn Phúc Sen, một xã thuộc huyện Quảng Hòa (Quảng Uyên cũ), tỉnh Cao Bằng. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi ban tặng phong cảnh non nước hữu tình, nằm trong khu vực Công viên địa chất non nước Cao Bằng. Người dân sinh sống ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Nùng. Ở Phúc Sen hiện nay vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đáng quý, tiêu biểu nhất trong số đó chính là nghề rèn dao của đồng bào nơi đây.

Nằm trên cung đường nối liền thành phố Cao Bằng với thác Bản Giốc, Phúc Sen đã tận dụng được lợi thế để trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách. Hằng ngày, có rất nhiều đoàn khách du lịch từ trong và ngoài nước dừng chân chiêm ngưỡng kỹ năng rèn dao điêu luyện của người dân. Ai cũng thích thú vì được tận mắt thấy những người nghệ nhân rèn ra những con dao tinh xảo, đủ mẫu mã.

Công đoạn tôi thép là công đoạn khó nhất, quyết định đến chất lượng sản phẩm.

Ông Lương Văn Tài, một nghệ nhân đã có 40 năm trong nghề cho biết cho biết, để có được một con dao hoàn chỉnh gồm rất nhiều công đoạn, nhưng có bốn công đoạn chính: Cắt thép và dùng búa đập thành hình định trước, tôi thép, ram thép và mài thành phẩm. Trong đó, hai quá trình tôi thép và ram thép mới là hai công đoạn chính tạo nên thương hiệu dao Phúc Sen nổi tiếng. Tôi thép là quá trình nung nóng, giữ nhiệt và làm nguội nhanh thép nhằm mục đích nâng cao độ cứng và tính mài mòn cho dao, nâng cao độ bền cho dao. Ram thép là phương pháp nung nóng thép đã qua tôi dưới nhiệt độ giới hạn, chỉ có những người thợ giỏi và lành nghề mới có thể nhận biết được nhiệt độ giới hạn bằng cách nhìn vào mầu đỏ của thép trong lò, sau đó giữ nhiệt độ một thời gian rồi làm nguội.

“Dao tốt như vậy là do được làm từ những chiếc nhíp ô tô cũ. Đồng thời được rèn cơ bản bằng thủ công với những bí quyết truyền thống nên dao Phúc Sen mới được như vậy”, ông Tài chia sẻ.

Sản phẩm nghề rèn của làng làm ra là các công cụ cầm tay có chất lượng cao phục vụ cho cuộc sống hàng ngày.

Ở Phúc Sen, hình ảnh những người phụ nữ làm thợ phụ cho chồng ở lò rèn dao cũng rất quen thuộc. Không chỉ chăm lo đồng áng, các chị còn ra lò rèn cùng quai búa phụ giúp chồng để kiếm thêm thu nhập. Công việc nặng nhọc là vậy, nhưng với các chị, được phụ giúp chồng con ở lò rèn và được làm nghề truyền thống của quê hương mình, đó chính là niềm vui, niềm hạnh phúc.

Nhiều phụ nữ ở làng Phúc Sen cũng làm nghề.

Mặt hàng chính được các hộ gia đình nơi đây rèn là: Dao, kéo, cuốc, liềm… phục vụ đời sống lao động của bà con nông dân. Về hình thức và màu sắc thì không thể đẹp bằng dao sản xuất công nghiệp, nhưng chất lượng thì dao Phúc Sen luôn vượt trội về độ bền và sắc bén. Xã Phúc Sen hiện nay có khoảng 60 hộ làm nghề thường xuyên.

Anh Đông, một nghệ nhân cho biết, ngay từ thời bé anh đã thấy mọi người rèn dao rồi, từ ông nội, đến bố anh kiếm sống bằng công việc này. Lớn lên anh tìm hiểu và biết rằng các cụ tổ tiên của mình đã làm nghề ở mảnh đất này từ những năm 1800, tức đã có truyền thống hơn 200 năm. Rồi đến năm 16 tuổi anh theo bố anh học nghề rèn và phải 2 năm sau đó anh mới chính thức trở thành một thợ rèn cho đến ngày hôm nay. Nghề này đã ngấm vào máu nên giờ cũng không biết làm gì khác để kiếm sống.

Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, người dân Phúc Sen đã cải tiến một số khâu sản xuất để giảm sức lao động như: sử dụng máy dập thay cho quai búa, máy mài, máy tạo khuôn… Tuy nhiên, những công đoạn quan trọng nhất vẫn phải làm thủ công.

Anh Nam, một du khách quê ở Bà Rịa – Vũng Tàu khi ghé thăm một xưởng rèn dao đã không khỏi ngưỡng mộ với tài năng của những nghệ nhân. Thích thú với những sản phẩm này nên anh đã mua đến 5 con dao thái và dao chặt xương để về dùng.

Sản phẩm dao được bày bán ngay tại làng Phúc Sen.

Có thể nói đây là một trong những làng nghề độc đáo nhất ở tỉnh Cao Bằng. Chính vì vậy mà hàng năm lượng khách du lịch đến với xã Phúc Sen tương đối lớn, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân. Dù đã trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nghề rèn vẫn được đồng bào Nùng ở Phúc Sen gìn giữ, phát triển, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.

Hiện các sản phẩm dao Phúc Sen đã được đặt hàng và bán đi mọi miền đất nước, và các tỉnh giáp biên của Trung Quốc đem lại lợi nhuận và nguồn thu nhập ổn định cho người dân làng rèn Phúc Sen. Góp phần xóa đói giảm nghèo, kinh tế ngày càng phát triển.

Hoàng Tôn