BVR&MT – Sau gần 10 năm chuyển về nơi ở mới, đồng bào vùng tái định cư Thủy điện Sơn La ở xã Mường Lựm, huyện Yên Châu đã từng bước ổn định và gắn bó với nơi ở mới.
Những ngày này, khi không khí đón xuân tràn ngập trên khắp các bản làng ở Sơn La, đồng bào tái định cư nơi đây cũng đang đón một mùa xuân mới với tinh thần phấn khởi và cuộc sống no ấm, đầy đủ hơn.
Những ngày cận Tết Nguyên đán 2017, không khí tại gia đình chị Lò Thị Chum ở bản tái định cư Na Ban, xã Mường Lựm, huyện Yên Châu trở nên tấp nập, đông vui hơn hẳn mọi năm. Bởi mấy hôm nay, bà con trong bản đang cùng nhau đến đây để chúc mừng gia đình chị vừa hoàn thành ngôi nhà mới.
Dù phải tất bật chuẩn bị mọi thứ để đón anh em, họ hàng đến chia vui nhưng chị Chum vẫn không giấu được sự vui mừng khi niềm mong mỏi bấy lâu của gia đình chị giờ đã thành hiện thực. Sau gần 10 năm chuyển về đây, bằng sự lao động chăm chỉ của cả gia đình, ngôi nhà mới đã được xây dựng xong. Chị Lò Thị Chum vui mừng chia sẻ: “Về đây bà con được cấp đất đai, ruộng vườn để làm ăn nên có điều kiện làm nhà mới để ở. Bây giờ làm nhà xong rồi thì không còn lo lắng mỗi khi mưa gió nữa. Đón Tết năm nay gia đình tôi vui lắm, nhất là con cái được ở nhà mới, không phải khổ nữa”.
Chuyển từ huyện Mường La về đây từ năm 2007, đến nay cuộc sống của hơn 30 hộ dân ở bản tái định cư Na Ban đang ngày càng ổn định, khấm khá hơn. Tại đây, từ nguồn vốn của chương trình di dân tái định cư, các công trình phúc lợi như đường giao thông nội bản, trạm y tế đã được xây dựng. Trong bản còn có điểm trường mẫu giáo để phục vụ cho việc học tập của con em đồng bào tái định cư.
Trong việc phát triển kinh tế người dân ở đây đã thực hiện nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi như trồng cây lương thực ngắn ngày, chăn nuôi hàng trăm con trâu, bò. Vì thế, thu nhập của bà con ở đây đã được đảm bảo, bình quân thu nhập đạt 1 triệu đồng/người/tháng.
Ông Cà Văn Anh, người dân bản tái định cư Na Ban, chia sẻ: “Chuyển về đây được sự quan tâm của chính quyền địa phương nên cuộc sống đã tốt hơn trước nhiều rồi. Bây giờ mọi người trong bản không còn lo thiếu gạo ăn, lo cái đói nữa, bà con đã yên tâm làm ăn, gắn bó với quê hương mới”.
Để tạo điều kiện cho bà con di dân tái định cư tại xã Mường Lựm yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống, chính quyền sở tại đã tiến hành chia lại ruộng đất. Việc chia ruộng đảm bảo sự công bằng và đồng thuận giữa người dân bản địa và người dân mới chuyển đến. Hiện nay, mỗi nhân khẩu thuộc diện tái định cư được cấp 270m2 đất ruộng làm hai vụ và 2.700m2 đất nương.
Ngoài ra, xã Mường Lựm cũng đã thực hiện việc chuyển đổi một số diện tích đất từ trồng ngô hiệu quả thấp sang trồng cỏ chăn nuôi gia súc và trồng cây ăn quả cho năng suất cao hơn. Nhờ đó, mức sống của bà con tái định cư đã ổn định, nhiều gia đình có của ăn, của để, nhà cửa khang trang, yên tâm lao động sản xuất. Không những thế, việc chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho bà con vùng tái định cư cũng thường xuyên được chính quyền quan tâm, nhất là các hoạt động văn nghệ, thể thao trong dịp Tết đến, Xuân về.
Ông Lò Văn Đấu, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lựm, cho biết vào ngày gặp mặt đầu xuân hàng năm, UBND xã Mường Lựm tổ chức gặp mặt, tặng quà cho gia đình chính sách, thương bệnh binh, người có công với cách mạng, nhất là hộ nghèo. Ngoài ra, xã còn tổ chức ngày hội văn hóa, biểu diễn các tiết mục văn nghệ và trò chơi truyền thống để bà con tham gia.
Đến các bản tái định cư vào dịp này, có thể nhận thấy không khí vui tươi của một mùa xuân mới đang tràn ngập khắp nơi. Đối với đồng bào các dân tộc vùng tái định cư ở Sơn La, mỗi năm khi Tết đến, Xuân về là dịp để họ cùng nhau sum vầy bên gia đình, họ hàng. Ở đó, họ cùng nhau nghỉ ngơi, ôn lại những thành quả sau một năm lao động vất vả và cùng cầu chúc cho một năm mới tốt lành, mưa thuật, gió hòa, mùa màng bội thu hơn năm cũ.
Trên các bản làng vùng cao, nhiều hoạt động vui chơi đón xuân đã được bà con tổ chức. Đối với trẻ em, chỉ cần một khoảng sân nhỏ là các em có thể mải mê với những trò chơi truyền thống như đánh cù. Còn với người lớn, đó là những điệu múa, điệu xòe truyền thống, mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc nơi đây.
Hòa mình vào những vòng xòe đó, mỗi người dường như trở nên gần gũi, thân thiết hơn. Nhờ vậy, tình làng xóm, cộng đồng lại được thắt chặt mỗi dịp Xuân về. Có thể thấy rằng, khi cuộc sống vật chất đã được đảm bảo, bà con vùng tái định cư không còn nặng nỗi lo “cơm áo” nữa, nhu cầu về đời sống tinh thần của họ cũng đã được nâng lên.
Ông Trần Oanh, Trưởng Ban quản lý dự án di dân tái định cư huyện Yên Châu cho biết, để cuộc sống đồng bào vùng tái định cư ngày càng ổn định, phát triển hơn, trong thời gian tới huyện Yên Châu tiếp tục xây dựng các mô hình sản xuất, đẩy mạnh công tác khuyến nông; tăng cường cán bộ làm công tác khuyến nông cho các khu, điểm tái định cư để trực tiếp hướng dẫn, giúp nhân dân tổ chức sản xuất, phát triển cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao.
Đồng thời, huyện thực hiện chuyển giao kỹ thuật sản xuất giúp nhân dân lựa chọn phương án sản xuất phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai tại địa phương. Ngoài ra, huyện tiếp tục đề nghị các cấp, ngành, Chính phủ sớm phê duyệt dự án tái định cư giai đoạn 2 để đảm bảo cuộc sống cho các hộ dân trên quê hương mới.