Trải nghiệm Tết Hà Nhì

BVR&MT – Nhận điện thoại của một người bạn trên biên giới, tôi xách ba lô lên đường giữa đợt không khí lạnh mạnh nhất từ đầu mùa để đến với đồng bào Hà Nhì xã Y Tý, Bát Xát, Lào Cai. 3 ngày cùng đồng bào Hà Nhì đón Tết Ga Tho Tho có lẽ là trải nghiệm thú vị nhất mà tôi sẽ không bao giờ quên.

Sau lễ cúng cơm mới, người Hà Nhì tổ chức đón Tết Ga Tho Tho vào ngày tỵ đầu tiên của tháng 11 âm lịch với ý nghĩa là nghi lễ cúng tổng kết mùa vụ một năm, tạ ơn các vị thần linh đã phù hộ cho mùa màng bội thu. Năm nay, Tết Ga Tho Tho năm nay diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 15 – 17/12/2018 (tức là từ ngày 9 -11/11 năm Mậu Tuất).

Dịp tết Ga Tho Tho, các gia đình người Hà Nhì thường mổ lợn làm lễ cúng tổ tiên, thần linh .

Sáng sớm, chúng tôi theo chân cán bộ Đồn Biên phòng Y Tý xuống bản Lao Chải 3 đón Tết Ga Tho Tho theo lời mời của người dân trong bản. Đường xuống bản đi qua chợ phiên Y Tý. Đúng ngày chợ nên không khí thật náo nức. Bà con từ các bản Ngải Thầu, Sim San, Mò Phú Chải, Lao Chải đổ xuống chợ tạo nên một bức tranh sinh động đầy sắc màu đặc trưng của váy áo dân tộc Mông, Giáy, Dao, Hà Nhì. Chúng tôi mang theo cái không khí vui nhộn ấy bước vào nhà ông Ly Giờ Có nằm cạnh ngay khu rừng thiêng của thôn Lao Chải 3.

Một góc bản Lao Chải, xã Y Tý – nơi có 100% người Hà Nhì sinh sống

Để chuẩn bị cho ngày Tết, gia đình ông Có dậy từ sáng sớm, làm thịt con lợn đã to nhất có cặp răng nanh dài to bằng ngón tay cái của tôi. Ông Có có quan hệ thân thiết với Đồn Biên phòng Y Tý vì thế nên không có gì đáng ngạc nhiên khi những người lính biên phòng không nề hà, xắn tay áo, vào bếp phụ giúp vợ con ông chế biến các món ăn truyền thống của người Hà Nhì. Ông Có là người Hà Nhì chính gốc, sinh ra và lớn lên ở xã Y Tý hơn 60 năm nay. Ông tự tay lau dọn bàn thờ, chế rượu truyền thống, chuẩn bị mọi thứ để dâng cúng tổ tiên. Tôi hỏi vì sao lại chọn ngày Tỵ, ông Có vui vẻ cho biết: “Chúng tôi coi ngày tỵ là ngày của con người nên chọn ngày này để tổ chức Tết. Đó là truyền thống đã được truyền từ đời này sang đời khác. Trong những ngày này, người dân trong bản mặc đồ truyền thống, nghỉ làm nương, ở nhà ăn tết và sang nhà nhau chơi”.

Tết Ga Tho Tho là nét văn hóa độc đáo của dân tộc Hà Nhì được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nó là cũng là sợi dây kết nối các thế hệ với nhau và tăng cường tình đoàn kết, chia sẻ giữa những người trong cộng đồng với nhau.

Tôi quan sát thấy mâm cơm cúng tổ tiên của người Hà Nhì rất đơn giản chỉ một bát chè ngừng, một bát cơm, một bát rượu và một bát thịt. “Giàu nghèo gì cũng phải có 4 thứ đó dâng lên tổ tiên và thần linh” – ông Có nói. Trong 3 ngày liền, người Hà Nhì đều cúng thần linh và tổ tiên, ngày 2 lần.

Một cán bộ biên phòng nói với tôi rằng dịp cuối năm là những ngày vui nhất của đồng bào Hà Nhì quả không sai. Bởi sau khi Tết Ga Tho Tho, đồng bào Hà Nhì tiếp tục đón Tết nguyên đán cổ truyền cùng với cả dân tộc Việt Nam. Trước tết, bà con rộn ràng mua sắm quần áo mới cho trẻ nhỏ, í ới rủ nhau xay nếp giã bánh dày. Đám thanh niên, trai tráng thì giúp nhau mổ lợn. Vui nhất là ngày hội xuân gọi bánh chưng cùng với cán bộ Đồn Biên phòng Y Tý. Trò chuyện với những người lính biên phòng, chúng tôi được biết ngoài hoạt động mời bà con lên đơn vị gói bánh chưng, chung vui đón tết, đơn vị còn tổ chức đi thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, có công với cách mạng trên địa bàn.

Theo truyền thống, giữa tiết xuân, khi dư âm của Tết nguyên đán vẫn còn, người Hà Nhì tiếp tục tổ chức nghi lễ linh thiêng cúng rừng cấm. Khác với Tết Ga Tho Tho, người Hà Nhì tổ chức lễ cúng rừng cấm vào ngày Thìn đầu tiên của tháng 2 âm lịch để tạ ơn rừng thiêng, cầu mong thần rừng phù hộ cho người an, vật thịnh, mùa màng bội thu.

Cán bộ Đồn Biên phòng Y Tý và đồng bào Hà Nhì gói bánh chưng đón Tết.

Ông Ly Giờ Lúy, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Y Tý bảo với tôi rằng, sinh sống hàng trăm năm ở vùng núi cao, dân tộc Hà Nhì của tôi coi rừng như nguồn sống, là mái nhà che chở, còn suối nước là chỗ dựa tinh thần của cả cộng đồng. Vì lẽ đó, từ thời tổ tiên đến giờ, người Hà Nhì đã có tục giữ rừng, cúng rừng, bảo vệ nguồn nước. Tín ngưỡng thờ thần rừng trở thành sợi dây tâm linh truyền qua nhiều thế hệ, khiến cho ngay cả đứa trẻ con cũng biết giữ rừng. Theo luật tục, người Hà Nhì không tự ý vào rừng chặt cây, lấy củi, nếu ai vi phạm sẽ bị phạt rất nặng. Nói về phong tục giữ rừng của người Hà Nhì, anh Có Có Xe, thôn Choản Thèn, xã Y Tý cho hay, mỗi năm, chỉ mở cửa rừng 2 lần thôi. Vào ngày đó, người dân trong thôn mới được vào rừng lấy củi. Mỗi nhà chỉ được 1 người đi. Vào rừng không được chặt cây bừa bãi đâu, chỉ được lấy cây củi khô, cành mục thôi. Làm thế rừng mới không bị phá”. Bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao khu rừng ngay cạnh nhà ông Có um tùm, thân cây nào cũng lốm đốm rêu xanh.

Nguyễn Bích