BVR&MT – Năm 2018 giá của các mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, cao su, hồ tiêu đều thấp, song đời sống của các đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây Nguyên vẫn có những bước cải thiện rõ rệt.
Điểm sáng thoát nghèo vùng biên giới Tây Nguyên
Về với Vườn Quốc gia Chư Yang Sin
Thủ tướng: “Đừng để đồng bào ta lâm cảnh màn trời chiếu đất!”
Năm 2018, với quyết tâm nâng cao đời sống cho hơn 275.000 đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm trên 53% dân số của địa phương, tỉnh Kon Tum đặc biệt ưu tiên quan tâm đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Điều này xuất phát từ thực tế người dân các dân tộc bản địa, như: Xê Đăng, Ba Na, Giẻ- Triêng… hay các dân tộc anh em khác, như: Tày, Thái, Mường, Dao… cuộc sống đều dựa vào sản xuất nông nghiệp. Từ sự hướng dẫn, khuyến khích, hỗ trợ của chính quyền cùng ngành nông nghiệp địa phương, người dân tích cực đưa giống mới và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất cây trồng vượt trội. Bởi vậy dù năm nay giá các mặt hàng nông sản chủ lực, như cà phê, cao su, hồ tiêu đều thấp, song thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Kon Tum vẫn tăng từ hơn 34 triệu đồng lên trên 37 triệu đồng vượt kế hoạch đề ra.
Trong những ngày cuối năm, không khí vui vẻ luôn hiện diện trong gia đình ông Bloong Rum, dân tộc Giẻ- Triêng, ở làng Dục Nhầy 3, xã biên giới Đắk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Tổng kết lại một năm lao động, ông Bloong Rum hồ hởi chia sẻ: lúa chất đầy kho, nhà có 6 miệng ăn nhưng đến mùa sau cũng chưa hết. Gia đình còn 3ha sắn nhà trồng đang thu hoạch mới bán một ít.
Theo ông Bloong Rum, vẫn diện tích rẫy trồng lúa như mọi năm, song năm nay nhờ đưa giống lúa mới đồng thời áp dụng khoa học vào sản xuất nên năng suất thu được vượt trội so với các năm trước, nhà nào cũng no ấm. Ông hồ hởi nói: “Bà con mình ở đây chủ yếu là làm ruộng lúa, làm nương rẫy thôi nhưng năm nay thu hoạch được lắm. Năm nay không ai đói, nhà nào cũng có tiền để mua sắm. Con cái được học hành không đứa nào phải ở nhà vì thiếu ăn, thiếu mặc nữa. Lúa, mì năm nay đều tốt cho thu hoạch nhiều thóc, nhiều củ”.
Đáng mừng hơn nữa là sự thay đổi trong tư duy lao động sản xuất của người dân. Ông A Xê, dân tộc Sê đăng, làng Văn Tó 1, xã Đắk Ui, huyện Đắk Hà, nói: “Bây giờ trong làng, nhà nào cũng biết áp dụng kỹ thuật vào lao động, sản xuất. Nhiều máy cày, máy bừa, máy bơm nước thay cho sức người. Nuôi, trồng cây gì bà con cũng đi tìm mua giống mới thì năng suất mới cao, dân làng mình mới no ấm được như thế này”.
Năm 2018 tỉnh Kon Tum tiếp tục triển khai, mở rộng nhiều mô hình để người dân có thêm thu nhập. Điển hình là mô hình trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng ở các xã: Tê Xăng, Măng Ri, Ngọc Lây của huyện Tu Mơ Rông; mô hình trồng cà phê xứ lạnh, lan kim tuyến, sâm dây, đương quy ở các huyện: Đắk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông. Từ những mô hình này đã xuất hiện nhiều tỷ phú sâm Ngọc Linh, triệu phú sâm dây hay triệu phú cà phê xứ lạnh là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông A Hơn, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Nhờ phát triển mạnh cây dược liệu đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh, năm 2018 huyện giảm được trên 6% hộ nghèo cao gần gấp đôi mức bình quân chung của tỉnh. Đặc biệt, người dân trong ba xã Tê Xăng, Ngọc Lây và Măng Ri trồng được cây sâm Ngọc Linh cây quý này đã thoát nghèo và làm giàu từ cây dược liệu sâm Ngọc Linh. UBND huyện Tu Mơ Rông đã chỉ đạo, giám sát để các tổ, các hộ trồng sao cho đạt hiệu quả để các hộ gia đình được xóa đói giảm nghèo từ cây dược liệu này.
Để tạo nguồn thu bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng, đến hết năm 2018, trên 193.000ha rừng đã được tỉnh Kon Tum giao cho hàng nghìn hộ dân, nhóm hộ và cộng đồng quản lý bảo vệ. Năm nay từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng trung bình mỗi hộ dân có thu nhập khoảng 7.300.000 đồng, nhóm hộ khoảng 39.000.000 đồng và cộng đồng dân cư thôn khoảng 115.000.000 đồng.
Ông Hồ Thanh Hoàng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum cho rằng, đây là nguồn thu bền vững, rất quan trọng để người dân cải thiện cuộc sống và góp phần xóa đói giảm nghèo. Đời sống của người dân tham gia quản lý bảo vệ rừng được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là người dân sống trong rừng, gần rừng, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Từ đó đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng, huy động đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia vào công tác quản lý bảo vệ rừng. Giảm tỷ lệ hộ nghèo, đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị và trật tự xã hội được ổn định ở các địa bàn dân cư, nhất là ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
Như vậy, việc triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, năm 2018 đời sống của trên 275.000 đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Kon Tum đã có những bước cải thiện đáng kể như: giảm 3,5% hộ nghèo giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn dưới 17%; nâng thu nhập bình quân đầu người từ hơn 34 triệu đồng lên trên 37 triệu đồng; người dân là đồng bào dân tộc thiểu số có thẻ bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ 95%.v.v… Đây là những kết quả, tiền đề quan trọng để năm mới 2019 cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục được nâng cao.
Thạch Thảo