BVR&MT – Từ một hộ gia đình nghèo, thường xuyên phải nhận trợ cấp của nhà nước, đến nay, gia đình anh Nguyễn Văn Đông đã có trong tay gia tài trị giá vài trăm triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục công nhân, làm giàu cho bản thân và cho quê hương.
Đó là cả một chặng đường không ít chông gai, thấm đẫm mồ hôi và nước mắt của vợ chồng anh Nguyễn Văn Đông ở xã Sai Nga, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.
Vốn sinh ra trên mảnh đất Sai giàu truyền thống cách mạng và có làng nghề nón lá, nghề mộc truyền thống. Nón lá Sai Nga của Cẩm Khê nổi tiếng đẹp chẳng kém gì những chiếc nón bài thơ xứ Huế bởi nó được làm từ những búp cọ nổi tiếng Phú Thọ, có sự gia công khéo léo của những đôi tay các nghệ nhân làng nghề lâu đời.
Sau khi mở cơ chế cho các thành phần kinh tế phát triển, Đảng bộ và chính quyền xã Sai Nga khuyến khích nông dân mở rộng sản xuất, một số sản phẩm tiểu thủ công nghiệp khác như mây giang đan xuất khẩu, kết bèo tây xuất khẩu, đồ gỗ trạm khảm mỹ nghệ, chè, đan lát, mành cọ… cũng bắt đầu được nhen nhóm từ đó.
Từ tình yêu, niềm say mê với cây cọ chẳng biết đã ăn sâu vào tâm trí anh từ khi nào. Sau khi lập gia đình, anh Nguyễn Văn Đông quyết tâm theo đuổi nghề dệt mành cọ. Một thời gian dài, anh Đông đến xin học nghề tại các xưởng dệt mành cọ khu vưc. Anh kể: Khi đó tất cả các khâu từ chế biến nan cọ thô đến khi làm ra thành phẩm đều làm bằng phương pháp thủ công. Dụng cụ cũng vô cùng thô sơ, chỉ có những chiếc dao vót…
Bởi vậy, để làm ra một sản phẩm rất vất vả, có khi phải mất gần một ngày công mới ưng ý. Nhiều đêm không ngủ, một mình cặm cụi chẻ nan, vót nan, dệt vào khung cho thành phẩm…. để rồi Cọ đã không phụ công người.
Quyết tâm sống chết với nghề, anh mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách – Xã hội huyện theo diện hộ nghèo để đầu tư xây nhà xưởng, mua máy vanh, máy vót nan, đóng khung dệt và thuê 6 – 8 nhân công vừa đào tạo tay nghề, vừa sản xuất thành phẩm.
Cho đến nay, tại xưởng làm mành cọ của anh Đông, mỗi ngày sản xuất được từ 30 đến 40 chiếc mành cọ. Xưởng có từ 6 đến 8 nhân công, trong đó 2 – 4 nhân công phụ trách vận hành máy dệt, 3 người còn lại chịu trách nhiệm vót nan cọ và vận chuyển nan cọ tới máy dệt.
Trước đây, công đoạn vót nan người thợ phải làm thủ công, rất vất vả, đòi hỏi phải chau chuốt, tỉ mỉ để có thể làm ra một chiếc mành đạt chất lượng. Hiện nay, công đoạn này đã có sự hỗ trợ của máy móc, tiết kiệm thời gian, công sức mà vẫn có được những chiếc nan cọ được vót nhẵn đều, trơn nhẵn.
Hơn 20 năm bền bỉ với nghề dệt mành cọ truyền thống, anh Nguyễn Văn Đông chia sẻ: “Hiện nay nguồn nguyên liệu làm mành cọ khan hiếm hơn xưa, mành cọ lại chịu sự cạnh tranh gay gắt của các loại chiếu, mành khác trên thị trường, nhưng gia đình tôi vẫn quyết tâm gắn bó với nghề của cha ông truyền lại. Tôi tin, nếu có tâm thì nghề quyết không phụ người.”
Giá thành mỗi chiếc mành cọ tùy vào kích cỡ dao dộng từ khoảng 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
Chiếc mành cọ truyền thống giá thành vừa rẻ hơn so với chiếu trúc, độ bền thì gấp nhiều lần chiếu cói và các loại chiếu nhựa thông thường khác trên thị trường nên được khách hàng yêu thích lựa chọn.
Có thể nói, với quyết tâm và nỗ lực vượt khó, yêu nghề, anh Nguyễn Văn Đông không chỉ vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho bản thân mà anh còn đang góp một phần công sức, tâm huyết gìn giữ cũng như phát triển nghề dệt mành cọ truyền thống của quê hương Phú Thọ.
Thiên Thảo – Hoàng Yến