Nghệ An: Phát triển kinh tế nhờ cây chanh leo ở huyện miền núi Quế Phong

BVR&MT – Xã Tri lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An), là xã biên giới giáp Lào. Đây là nơi định cư chủ yếu của bà con dân tộc Thái, Khơ Mú, Mông. Cuộc sống của bà con nơi đây gặp nhiều khó khăn bởi điều kiện thổ nhưỡng cũng như trình độ của đồng bào còn hạn chế.

Anh Lữ Văn Cương, Phó chủ tịch UBND xã Tri Lễ, cho biết: “Đất ở đây khó canh tác lắm, mới nắng chút đã khô, mưa xuống là nhão, chẳng giữ được nước nên việc canh tác các loại cây thực sự rất khó khăn. Trước đây, ngoài diện tích ngô, lúa rẫy thì chỉ có thể trồng thêm cây keo, nhưng hiệu quả kinh tế rất thấp, một số diện tích thì hoang hóa. Địa phương đã thử nghiệm nhiều loại cây trồng khác nhau nhưng không tìm ra phương án hiệu quả”.

Cây chanh leo giúp đồng bào Mông thoát nghèo.

Đến năm 2010, với hướng mở thoát nghèo từ chanh leo, nhiều gia đình đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư. Nhờ đảm bảo kỹ thuật, vườn chanh leo của các gia đình đã phát triển khỏe mạnh cho năng suất cao.

Anh Vi Văn Sơn là người ở bản Yên Sơn, xã Tri Lễ. Trước đây gia đình anh rất vất vả, hai vợ chồng quanh năm đầu tắt mặt tối nhưng không đủ ăn. Ruộng lúa nước rất ít, chỉ có một vài khoảnh dọc bờ khe tự khai hoang. Năm 2012, khi được tập huấn về quy trình trồng và chăm sóc cây chanh leo, anh đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư với hi vọng thoát nghèo. Đến nay, sau 6 năm, gia đình anh đã có 5,4ha chanh leo. Thời gian đầu, thu hoạch chanh leo chỉ đủ trả nợ ngân hàng, nhưng gần đây, sau khi nợ đã trả được gần hết, cuộc sống gia đình đã khấm khá hơn. “Trừ đi chi phí đầu tư và dịch bệnh hàng năm gia đình còn thu về trên hai trăm triệu đồng. Năm nay được giá 18000/kg, từ đầu vụ đến giờ nhà em cũng thu hoạch được hơn 10 tấn rồi. Trước đây không biết trồng chi cho đủ ăn, sau này trồng chanh leo thì cuộc sống khá hơn” anh Sơn tâm sự.

Những vườn chanh leo trĩu quả đã góp phần xóa đói giảm nghèo.

Ngoài gia đình anh Sơn các gia đình khác như gia đình anh Hà Văn Nam(bản Yên Sơn), gia đình anh Lộc Văn Bảy, Lộc Văn Chín, Lương Văn Sáng(bản Xan)… có kinh tế khá giả nhờ chanh leo.

Từ năm 2010, chỉ từ 2 ha trồng thí điểm, đến nay toàn xã Tri Lễ có tổng diện tích là 153 ha, trong đó có 34 ha của nhà máy, còn lại được trồng trong dân do 120 hộ đảm nhận. Tính ra, mỗi ha chanh leo đầu tư hết tổng 100 triệu đồng thì thu về trên dưới 300 triệu đồng. Cùng với những đề án phát triển trồng trọt và chăn nuôi khác, trong đó lấy chanh leo là cây trồng mũi nhọn, đã góp phần không nhỏ trong việc xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm nhanh chóng từ 80% hộ nghèo năm 2017 xuống còn 63% thời điểm hiện tại.

“Cây chanh leo đã chứng minh được hiệu quả kinh tế khi cho thu nhập gấp nhiều lần so với trồng lúa trên cùng đơn vị diện tích. Bởi vậy, nhiều năm nay, huyện và xã cũng xác định đây là loại cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và là cơ sở để xóa đói giảm nghèo. Nhiều năm nay, nhiều diện tích hoang hóa đã được cây chanh leo phủ kín. Tuy nhiên, hiện nay một số diện tích trồng chanh leo đã xuất hiện bệnh hoặc bị chết,xã và huyện cũng đang phối hợp với các cơ quan nghiên cứu để có phương án phòng trừ, đảm bảo trồng chanh leo sẽ là hướng phát triển kinh tế bền vững tại địa phương”. Ông Lữ Văn Cương chia sẻ thêm.

Đ.Nguyên