BVR&MT – Từ một xã thuộc chương trình 135 huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã Cao Răm đã tập trung lãnh đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng Khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nhằm khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương, từng bước giảm nghèo bền vững.
Thông tin với Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, Chủ tịch UBND xã Cao Răm Hoàng Văn Thường cho biết: “Năm 2005 xã Cao Răm được nhận nguồn vốn chương trình 135, đến năm 2012, xã thoát khỏi chương trình 135 là nhờ sự tạo điều kiện từ nguồn vốn, mặt khác là sự chung tay phát triển kinh tế giảm nghèo từ phía người dân”.
Trong 8 năm từ 2011-2017, tổng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới của xã là trên 90 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên, xã đã tập trung phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, từng bước giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Xã đã đầu tư làm mới và nâng cấp được 29 km đường giao thông nông thôn; xây mới 2 đập nước và trên 3 km kênh mương, nâng tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động đạt trên 82%; xây dựng mới các phòng học Trường mầm non; Trường Tiểu học và Trung học cơ sở đã được đầu nâng cấp đạt chuẩn quốc gia.
Hiện tại, trong công tác xóa đói giảm nghèo, UBND xã Cao Răm luôn hoàn thành mục tiêu. Cụ thể, năm 2011 mức thu nhập bình quân đầu người đạt 10 triệu đồng/người/năm, đến năm 2017 mức thu nhập bình quân đầu người đạt 26,2 triệu đồng/người/năm, còn 58 hộ nghèo chiếm 5,3%. Đến năm 2018, thu nhập của người dân khoảng 28 triệu/người/ năm.
Ngoài ra, diện tích sản xuất nông nghiệp tại địa phương là hơn 200 ha, trên địa bàn xã còn nhiều mô hình sản xuất trồng cây ăn quả. Toàn xã có khoảng 70 ha cây ăn quả, chủ yếu là cam, bưởi và nhãn. Sau khi trồng thử nhiều loại cây khác nhau, người dân nhận thấy nhãn là cây phù hợp với đất đồi và chỉ 2 – 3 năm là cho thu hoạch. Chất lượng quả thơm, ngọt đậm. Với việc tích cực chuyển đổi cây trồng, Cao Răm xuất hiện nhiều hộ làm kinh tế giỏi thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng/năm.
Mô hình kinh tế lớn nhất chiếm diện tích cao đó là trồng rừng, các loại cây gỗ trồng chủ yếu là giống keo. Chủ trương, chính sách phát triển kinh tế này đã nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân. Xã tổ chức rà soát lại toàn bộ quỹ đất và các triền núi có thể trồng rừng kinh tế để giao cho người dân. Trong đó, UBND xã cũng có nhiều quy chế trong việc quản lý và bảo vệ rừng đến từng hộ gia đình. Người dân luôn tự giác cao trong công tác bảo vệ rừng, không để xảy ra vấn đề cháy rừng lớn.
Ông Hoàng Văn Thường cho biết: “Trong những năm tới, xã tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong công tác phát triển kinh tế, giảm nghèo; tập trung chỉ đạo, khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế có giá trị cao, đặc biệt là chuỗi sản xuất có hiệu quả”.
Văn Trì