BVR&MT – CHLB Đức trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi năng lượng thành công và có cam kết khí hậu tham vọng nhất, như mục tiêu chấm dứt điện hạt nhân năm 2022.
Cam kết giảm phát thải CO2 ít nhất 40% năm 2020, 80% đến năm 2050, tỷ lệ điện tái tạo trong tổng sơ đồ điện đạt ít nhất 35% năm 2020 và 80% năm 2050 và giảm tỷ lệ tiêu thụ điện năng do áp dụng biện pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả lên từ 20% năm 2020 đến 50% năm 2050, đặc biệt giảm tới 80% điện tiêu thụ trong các tòa nhà và 50% trong ngành giao thông vận tải vào năm 2050.
Xem thêm:
Liên hiệp hội: Chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động hợp tác quốc tế
Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động nâng cao năng lực cán bộ Liên hiệp hội 2015 – 2018
Theo các nhà hoạt động môi trường của Đức thì đây là một trong những sự kiện đánh dấu mốc quan trọng cho chuyển dịch năng lượng ở Đức, tiến tới chấm dứt khai thác than đá cho sản xuất điện. Tương tự như quá trình vận động dẫn đến chấm dứt sử dụng điện hạt nhân, một Ủy ban đặc biệt của Chính phủ đã được thành lập gồm thành viên là các cơ quan của chính phủ, các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp, đại diện dân chúng để thảo luận về mục tiêu chấm dứt sử dụng than đá Đức. Dự kiến cuối năm nay Ủy ban này sẽ phải thảo luận và thống nhất về lộ trình và thời hạn đóng cửa các mỏ than, cơ chế đền bù và chuyển đổi việc làm cho công nhân người lao động trong ngành than. Mặc dù vậy đây không phải là | công việc dễ dàng, vì hiện Đức có hơn 25.000 lao động trong ngành than.
Theo các tổ chức nghiên cứu về chuyển đổi năng lượng tại Đức, quá trình chuyển đổi năng lượng tại Đức thành công một phần là do chính người dân và các tổ chức bảo vệ môi trường đại Đức đã tham gia góp phần trong các cuộc thảo luận chính sách của chính phủ, quá trình chuyển đổi và các chính sách kèm theo đã được thảo luận sâu rộng trong nhân dân trước khi được đưa ra. Các tổ chức nghiên cứu khoa học và các tổ chức vận động bảo vệ môi trường ở Đức đóng vai trò là nơi tạo ra các diễn đàn thảo luận cho nhân dân, cung cấp bằng chứng khoa học và thông tin đến công chúng thông qua các hình thức, phương tiện khác nhau như hội thảo, tọa đàm, xuất bản báo cáo, infographic, xây dựng phim tài liệu.
Lịch sử chuyển đổi năng lượng đức được cho là đã manh nha diễn ra từ năm 1968 khi phong trào bảo vệ môi trường trong nhân dân diễn ra mạnh mẽ, trước thực tại ô nhiễm nguồn nước, không khí và khủng hoảng năng lượng tại Đức thời gian đó. Giai đoạn những năm 1973-1975 đã có phong trào phản đối mạnh mẽ điện hạt nhân diễn ra tại Đức và Đảng Xanh cũng được thành lập giai đoạn đầu những năm 1980s. Năm 1986, thảm họa Chernobyl đã đánh một dấu mốc quan trọng trong lịch sử ngành năng lượng toàn cầu và ở Đức, đặc biệt là vấn đề chấm dứt sử dụng điện hạt nhân. Đây cũng là năm Bộ Môi trường của nước này ra đời, khởi đầu cho một giai đoạn mới đầu thập niên 90 với nhiều chính sách quan trọng về vấn đề môi trường và năng lượng.
Năm 1991, được cho là năm khởi đầu cho các chính sách của chính phủ Đức nhằm khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, đây cũng là thời điểm vấn đề biến đổi khí hậu được đề cập mạnh mẽ hơn trong các thảo luận về môi trường toàn cầu. Nghị định thư Kyoto 1997 đòi hỏi các quốc gia phát triển phải cắt giảm khí nhà kính và Đức là quốc gia chịu tác động lớn của quyết định này.
Luật Năng lượng Tái tạo (EEC) ra đời năm 2000 quy định việc Chính phủ cam kết một mức giá cố định và có hiệu lực 20 năm cho việc mua điện từ nguồn năng lượng tái tạo hòa lưới (feed-in-tariffs). Chính sách này đã tạo ra sự bùng nổ về đầu tư của người dân và doanh nghiệp Đức cho sản xuất điện tái tạo, đặc biệt là chính sách cam kết giá dài hơi giúp người dân dễ dàng tiếp cận tín dụng để đầu tư cho sản xuất năng lượng tái tạo. Hiện Đức có hơn 1.500 hợp tác xã điện tái tạo do người dân lập ra và hơn 1,5 triệu nhà sản xuất điện độc lập (số liệu 2017 công bố tại trang www.energytransition.de).
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng do đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ thân thiện môi trường, đặc biệt là công nghệ trong ngành năng lượng tái tạo nên trong hơn 20 năm qua, nhiều phát minh mới đã giúp giảm giá thành của nhiều công nghệ đặc biệt là pin điện mặt trời. Giá tấm pin PV để sản xuất điện mặt trời đã giảm xuống mạnh hơn nữa khi được sản xuất với khối lượng lớn của các nhà sản xuất Trung Quốc. Năm 2014 Luật EEG điều chỉnh giảm mức giá mua điện cố định từ nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời chấm dứt mua theo giá cố định từ điện mặt trời mà chuyển sang mua theo hình thức đầu giá. Năm 2016, Luật EEG tiếp tục điều Chỉnh theo hướng loại bỏ hoàn toàn chính sách trợ giá mà chuyển sang hình thức Chính phủ mua điện theo hình thức đấu giá.
Năm 2001, lần đầu tiên Chính phủ Đức đạt được đồng thuận về mục tiêu chấm dứt điện hạt nhân đến năm 2022. Tuy nhiên đến năm 2010, Chính phủ Đức đã điều chỉnh kế hoạch này theo hướng trì hoãn việc đóng cửa nhà máy điện hạt nhân, Sự kiện Fukushima 2011 tại Nhật Bản đã giúp Chính phủ của bà Merkel nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Quốc hội với kế hoạch lần 2 chấm dứt điện hạt nhân năm 2022.
Vì vậy, Energiewende đã giúp Đức đi tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch và hạt nhân cũng như việc giảm phụ thuộc nguồn nhập khẩu năng lượng (trị giá mỗi năm 80 tỷ EURO), và đặc biệt là việc giảm sự độc quyền trong sản xuất, phân phối điện năng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và tạo ra nhiều việc làm xanh” hơn.
Ở Đức, thuật ngữ “Energiewende”, tức chuyển đổi năng lượng, đã trở nên phổ biến trong các cuộc thảo luận chính sách về năng lượng, diễn đàn bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cũng như đối với từng người dân. Mục tiêu chính của chuyển đổi năng lượng là nhằm giảm tiến đến chấm dứt sử dụng công nghệ điện hạt nhân và chống biến đổi khí hậu toàn cầu. |
Văn Trì