BVR&MT – Thời gian qua, UBND huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, mục tiêu giảm nghèo bền vững quốc gia đã thực sự trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng. Thực hiện nhiều chính sách dân tộc, kế hoạch chương trình 135 đã được triển khai đến từng thôn, xã đặc biệt khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
6 xã khu vực II, 1 xã khu vực I
Thực hiện quyết định số 50/2016/QĐ-TTg ngày 03/11/2016 của thủ tướng chính phủ về tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020. UBND huyện Phú Bình đã kiểm tra và phân định giai đoạn 2016- 2010 cho 7 xã với 107 xóm cụ thể như sau:
Phân định khu vực xã theo vùng dân tộc thiểu số và miền núi: xã khu vực II là 6 xã ( Bàn Đạt, Tân Khánh, Tân Kim, Tân Thành, Tân Hòa, Tân Đức. Chỉ có duy nhất 1 xã khu vực I là xã Đồng Liên. Còn xóm thuộc diện đặc biệt khó khăn là 35/107 xóm. Trong đó, xã Bàn Đạt có 9 xóm; Tân Khánh có 5 xóm; xã Tân Kim có 8 xóm; Tân Thành có 6 xóm; Tân Hòa có 7 xóm.
Thực hiện Chương trình 135 đợt1 năm 2017
Phòng Dân tộc tham mưu cho UBND huyện Phú Bình ban hành công văn số 449/UBND-DT ngày 16/05/2017 về việc xây dựng kế hoạch Chương trình 135. Trong 6 tháng đầu năm 2017, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp huyện tới thôn, xóm. Tổng kinh phí chương trình 135 năm 2017 là 5.528 triệu đồng. Trong đó: Xây dựng cơ sở hạ tầng là 5.200 triệu đồng, duy tu bảo dưỡng là 328 triệu đồng.
Cụ thể triển khai số vốn xây dựng cơ sở hạ tầng và duy tu bảo dưỡng thuộc chương trình 135 trên các địa bàn huyện Phú Bình đến các xã: Bàn Đạt, Tân Kim, Tân Thành, Tâm Hòa, Kha Sơn. Với các công trình được xây dựng mới là 10 công trình với tổng kinh phí là hơn 3.500 triệu đồng. Số vốn Chương trình 135 là hơn 2.680 triệu đồng, vốn huy động khác là hơn 710 triệu đồng. Duy tu bảo dưỡng với tổng kinh phí là hơn 400 triệu, vốn chương trình 135 là 328 triệu đồng, còn lại là vốn khác.
Thực hiện nhiều chính sách dân tộc và miền núi
Phòng Dân tộc đã tham mưu cho UBND huyện Phú Bình ban hành nhiều chính sách đối với đồng bào dân tộc và các xã miền núi, cụ thể như sau:
Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc. Trong đó, tết Đinh Dậu năm 2017 UBND huyện đã thăm và tặng quà cho 28 ông, bà của 7 xã miền núi với tổng số tiền là hơn 11 triệu đồng.
Chính sách về hỗ trợ muối I-ốt phòng, chống bướu cổ, đần độn cho người dân vùng dân tộc và miền núi. UBND huyện đã ban hành kế hoạch số 27/KH-UBND ngày 08/03/2017 tới 7 xã miền núi ước tính hết năm 2017 là 256 tấn muối I-ốt.
Chính sách hỗ trợ về thông tin, truyền thông duy trì thường xuyên. Các ấn phẩm báo chí của nhiều cơ quan như báo Dân Tộc, Báo Văn hóa và nhiều tờ báo khác. UBND huyện Phú Bình đã ban hành Công văn số 328/UBND-DT ngày 13/04/2017. V/v thực hiện triển khai Quyết định số 59/2017/QĐ-TTg đến 7 xã miền núi đặc biệt khó khăn. Tính đến tháng 5/2017 đã cấp hơn 22.000 tờ báo, nhằm mục đích để đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin tới đồng bào dân tộc và các xã miền núi với tờ báo Trung Ương.
Ngoài ra, còn tồn tại một số khó khăn. Đó là một số chính sách đã hết hạn giai đoạn cần xin ý kiến các cấp có thẩm quyền như: chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Theo quyết định 755/QĐ/TTg ngày 20/05/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo quyết định 102/2009/QĐ-TTg ngày 07/08/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhìn chung, công tác triển khai thực hiện các chính sách dân tộc luôn được sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Ban Dân tộc tỉnh, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Phú Bình. Trong đó nhiệm vụ chủ yếu về dân tộc của Phòng Dân tộc là công tác chỉ đạo thục hiện chính sách đối với người dân tộc và miền núi. Đó là những chính sách liên quan đến đời sống – cơ sở hạ tầng của người dân, thường xuyên mở lớp tập huấn về vấn đề an toàn thực phẩm, Luật an toàn giao thông và luật tổ chức chính quyền cơ sở; với sự gắn kết nhiều chính sách, cải thiện cơ sở hạ tầng thuận tiện cho người dân đi lại từ đó thúc đẩy kinh tế – xã hội huyện phát triển, tiến tới giảm nghèo bền vững.
Văn Trì