BVR&MT – Ở địa bàn sát khu ATK (an toàn khu) của tỉnh Hòa Bình, xã Trường Sơn, huyện Lương Sơn, trước đây là một trong những xã nghèo của tỉnh Hòa Bình, qua nhiều năm, nhờ sự vào cuộc của các cấp chính quyền và bà con nhân dân địa phương, đến nay xã Trường Sơn vươn lên là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo gần như thấp nhất của huyện Lương Sơn.
Những ngày đầu tháng 10/2017, tiết trời khô hanh trong thời khắc giao mùa. Ấy thế mà, đứng ở trung tâm xóm Cột Bài, xã Trường Sơn, xung quanh là bạt ngàn cánh rừng trồng của bà con, từng làn gió mạnh khiến cả rừng cây nghiêng về một phía, xung quanh thôn đâu cũng là rừng và rừng. Bà con ở đây chủ yếu là trồng cây keo vì giống cây này mang lại hiệu quả kinh tế cao, chỉ sau 5 – 8 năm trồng và chăm sóc là cây cho thu hoạch.
Trao đổi với phóng viên Bảo vệ rừng và Môi trường, trưởng xóm Cột Bài Bùi Văn Luận cho biết: “Phần lớn người dân trong xóm sống dựa vào nghề trồng rừng, hiện nay trong xóm có một xưởng bóc gỗ thu mua gỗ của bà con và sơ chế rồi bán đi nơi khác nên việc vận chuyển gỗ của bà con đơn giản hơn trước rất nhiều. Hiện xóm có có 75 hộ, 322 khẩu chủ yếu sống dựa vào việc trồng rừng”.
Không chỉ riêng xóm Cột Bài mà nhiều xóm khác ở xã Trường Sơn cũng biết dựa vào rừng, trồng rừng để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo từ nhiều năm qua. Được biết, 9 tháng đầu năm 2017 xã Trường Sơn, huyện Lương Sơn đã chỉ đạo trồng rừng theo kế hoạch, làm tốt công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng, triển khai công tác điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng theo kế hoạch đạt kết quả như mong muốn.
Theo đó, sản xuất lâm nghiệp như trồng rừng năm 2017 được 150 ha đạt 100 % kế hoạch theo Nghị quyết HĐND xã giao. Công tác tuyên truyền về quản lý và bảo vệ rừng được thực hiện thường xuyên; công tác PCCCR được duy trì. Trong 9 tháng đầu năm xảy ra 04 vụ cháy rừng nhỏ. Xã đã huy động lực lượng khoanh vùng và dập tắt các đám cháy, xây dựng phương án phòng chống cháy rừng năm 2017… không để xảy ra những vụ cháy lan rộng gây hậu quả nghiêm trọng.
Không những trú trọng vào kinh tế rừng để phát triển kinh tế. Những năm gần đây xã Trường Sơn còn tập trung vào chỉ tiêu sản lượng lương thực, trồng rừng đều đạt và vượt kế hoạch, đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, không có dịch bệnh xảy ra. Công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai được quan tâm, sản xuất công nghiệp và thương mại dịch vụ đang dần ổn định và phát triển.
Trao đổi với Phóng viên, ông Bạch Chí Điển, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn – cho biết: “Kinh tế chủ yếu của xã là dựa vào rừng. Xã có tổng diện tích tự nhiên là 3.060 ha; trong đó đất nông nghiệp là 2.728 ha; đất phi nông nghiệp 152 ha; đất chưa sử dụng là 180 ha. Dân số của xã trên 500 hộ với hơn 2.000 khẩu, có 3 dân tộc anh em cùng sinh sống gồm: Mường, Kinh, Dao trong đó dân tộc Mường chiếm 96%, dân tộc Kinh chiếm 3%, dân tộc Dao và dân tộc khác chiếm 1%.
Định hướng phát triển kinh tế – xã hội của xã trong những năm tới, xã xác định trồng rừng sản xuất và một số loại cây có giá trị kinh tế cao gắn liền với chăn nuôi gia trại vừa và nhỏ là nội lực và thu hút, ưu tiên các dự án đầu tư vào xã, cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp 40%. Thu nhập bình quân đầu người 20 triệu đồng/người/năm, trồng rừng 150 ha; giải quyết việc làm cho 100 lao động trở lên; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 4,5%….”
Dưới sự lãnh chỉ đạo tập trung của Đảng ủy, UBND xã cùng với sự phối hợp đồng bộ nhịp nhàng của UBMTTQ xã và các ban, ngành, đoàn thể, sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ công chức, trưởng xóm và cố gắng, đồng thuận của toàn thể nhân dân, việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, các ngành, lĩnh vực tiếp tục phát triển, công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân được quan tâm thực hiện, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm và giữ vững.
Cụ thể, công tác xóa đói giảm nghèo luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ người nghèo như: tiền điện, vay vốn hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ lúa giống, ngô giống… Hiện nay toàn xã có 45 hộ nghèo bằng 157 khẩu, 42 hộ cận nghèo bằng 166 khẩu.
Ngoài làm tốt công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Xã Trường Sơn còn trú trọng phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản toàn xã, hiện nay xã có 3,5 ha, chủ yếu là ao, hồ. Sản lượng 9 tháng đầu năm ước đạt 7 tấn. Phối hợp với Trạm khuyến nông khuyến lâm huyện tổ chức mô hình nuôi gà thả vườn với 2.000 con giống, tổ chức tập huấn cách nhận biết các loại bệnh trên cây lúa và cách phòng trừ.
Thêm nữa, công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, chủ động phòng chống các loại dịch bệnh trên địa bàn; phối hợp với các cơ quan nhà nước cấp trên tiến hành kiểm tra VSATTP, không để xảy ra dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm; hưởng ứng tháng hành động vì an toàn thực phẩm. Xây dựng bộ tiêu chí Quốc gia về y tế theo quy định. Tính đến 9 năm 2017, xã đạt 14/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Ngoài những thế mạnh xã Trường Sơn còn gặp một số hạn chế như diện tích gieo trồng, năng xuất sản lượng cây có hạt ở một số xóm đạt thấp. Tình trạng nhượng quyền sử dụng đất, nhất là đất nông, lâm nghiệp việc tự ý san lấp, cải tạo mặt bằng trái phép vẫn còn xảy ra; Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, chưa tận dụng tốt các nguồn thu…
Việt Hoàng