BVR&MT – Tết là phong tục, là truyền thống, là văn hóa của người Việt Nam bao đời nay. Tuy nhiên, do đặc trưng văn hóa vùng miền, mà dù Tết chung nhưng ở hai đầu Nam Bắc vẫn có những sự khác nhau thú vị trong cùng một văn hóa Tết.
01. Cây hoa biểu tượng: Đào và Mai
Đã từ rất lâu rồi, nhắc đến hoa đào và hoa mai là mọi người sẽ nghĩ đến ngày Tết Nguyên Đán cổ truyền của dân tộc ta. Hoa đào là biếu tượng của ngày Tết ở miền Bắc do hợp với khí hậu lành lạnh nơi đây, còn hoa mai rực rỡ lại thích hợp với nắng vàng rực rỡ đất phương Nam. Hai loại hoa này chỉ nở vào mùa xuân, gần dịp Tết hoặc trong những ngày Tết ngắn ngủi. Nhưng dù là hoa đào hay hoa mai, hai loài hoa này cũng báo hiệu mùa xuân về, một năm mới với những sự khởi đầu mới với bao may mắn và bình an cho mọi người, mọi nhà.
Mặc dù ngày nay, sự lưu thông thuận tiện hàng hóa giao thương ngày Tết, nên người ta vẫn thường thấy hoa đào ở Tết Nam và hoa mai ở tết Bắc. Tuy nhiên, để nhắc đến biểu tượng nhận diện “mùi tết” thì vẫn được định nghĩa hoa đào là tết miền bắc và hoa mai là tết miền nam.
02. Bánh cổ truyền: bánh chưng – bánh tét
Nếu như miền Bắc có món bánh chưng vuông vắn với màu xanh nổi bật của lá dong đã được lưu vào truyền thuyết thì miền Nam lại nổi tiếng với món bánh Tét với các nguyên liệu, vỏ và nhân bánh giống hệt với bánh chưng, gồm lá dong bọc gạo nếp, nhân thịt mỡ, đậu xanh và hành khô, chỉ khác về hình dạng bánh với từng cái bánh hình trụ dài, khi ăn có thể cắt ra thành từng khoanh tiện lợi, không như bánh chưng hình vuông được cắt thành 8 miếng bánh hình tam giác nhỏ.
03. Mâm ngũ quả
Trên bàn thờ tổ tiên ngày Tết ở đâu cũng có mâm ngũ quả nhưng sự khác nhau giữa hai miền lại nằm ở nải chuối. Người miền Bắc không có phong tục khắt khe về mâm ngũ quả và hầu như tất cả các loại quả đều có thể bày được, miễn là nhiều màu sắc. Tuy nhiên, nải chuối không bao giờ thiếu được trên mâm ngũ quả, người miền Bắc thường dùng chuối như một giá đỡ để trưng những loại trái cây khác lên trên.
Trong khi miền Nam nhiều nơi không cho chuối vào vì theo tiếng miền Nam phát âm chuối là “chúi” sẽ mang lại xui xẻo cho năm mới khi làm ăn không lên được.
Có 4 loại quả nhất định phải có trên mâm ngũ quả của người miền Nam là mãng cầu, đu đủ, dừa non, xoài tượng trưng cho mong ước trong năm mới là “Cầu Vừa Đủ Xài”. Ngoài ra mọi người thường bày thêm quả sung để hoàn thiện mâm ngũ quả.
04. Tết lạnh và tết nóng
Do đất nước ta trải dài từ Bắc xuống Nam với hơn 2000 km chiều dài nên có sự phân hóa thời tiết và khí hậu thấy rõ. Miền Bắc có tới bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông trong khi miền Nam chỉ có hai mùa Mưa và Nắng với nhiệt độ luôn ở mức gần 30 độ C, kể cả trong những ngày Tết.
Vào những ngày này, khi người dân miền Bắc đa phần diện các trang phục mùa đông như áo khoác, áo len, áo dạ, khăn quàng ấm… và tận hưởng không khí se se lạnh cùng thời tiết mưa phùn của thời tiết giao thoa giữa mùa Đông và mùa Xuân thì người dân miền Nam lại tung tăng ra đường với áo cộc tay, áo sơ mi… thời tiết cũng không khác nhiều thời tiết mùa hè ở miền Bắc là mấy.
05. Món dưa muối
Có một món ăn quen thuộc được nhắc đến trong ngày tết, đó là món dưa hành muối.
Đây là một món ăn rất quen thuộc của người miền Bắc. Những củ hành tươi sẽ được cắt ngắn, đem muối với nước sạch, đường, muối, hành khô cắt nhỏ và để tự lên men. Tùy thói quen mà bạn có thể ăn được món này từ 1-3 ngày. Món hành muối có thể chấm mắm để ăn với cơm hoặc ăn riêng, có vị chua chua của dưa muối và hanh hanh của hành, rất ngon miệng và không thể thiếu trong các gia đình miền Bắc.
Người dân miền Nam cũng có món dưa muối cổ truyền tương ứng với món hành muối của miền Bắc, đó là món dưa giá muối. Nguyên liệu chủ yếu của món này cũng rất đơn giản, chỉ bao gồm giá đỗ, cà rốt, rau hẹ và một số gia vị cơ bản. Đặc điểm của món này là làm xong bạn có thể ăn luôn trong ngày chứ không cần đợi đến 2-3 ngày sau như món hành muối do đặc điểm dễ thấm gia vị của giá đỗ.
06. Về nhà ngày tết
Quan niệm của người dân miền Bắc là ngày Tết là thời gian để đoàn tụ các thành viên trong gia đình, nên họ thường quây quần bên nhau ở nhà để sum họp, trò chuyện và ăn uống hoặc đi chúc tết họ hàng, bạn bè, hàng xóm.
Những người miền Nam với suy nghĩ và tư duy “thoáng” hơn, rằng ngày Tết là để nghỉ ngơi, nên họ thường dành thời gian và tiền bạc tích lũy được trong năm để đi du lịch, khám phá đây đó với người thân và bạn bè.
Vì thế, vào ngày Tết, người Bắc thường thích về quê, thăm gặp nhau hơn. Còn những người Nam thì hay tìm kiếm những tour du lịch, lên kế hoạch cho những hành trình khám phá cuộc sống trong kỳ nghỉ tết.
Xuân Thời