BVR&MT – Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Thanh Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước với mục tiêu giảm nghèo đa chiều theo hướng bền vững, hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tính đến tháng 9/2023, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trên địa bàn huyện giảm còn 8,3%, hộ cận nghèo giảm còn 8,47%, tỉ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số còn 11,59%
Đa dạng hóa sinh kế
Với phương châm “người dân tự vươn lên thoát nghèo, có sự hỗ trợ của Nhà nước và được cộng đồng giúp đỡ”, huyện Thanh Sơn đã nhân rộng các mô hình sinh kế, tạo mối liên kết sản xuất giữa người dân với các hợp tác xã (HTX). Với sự linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, các HTX trên địa bàn huyện Thanh Sơn đã tập hợp được nhiều nông dân tham gia vào phát triển sản xuất nông nghiệp.
Trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình sinh kế, giúp giảm nghèo hiệu quả như: Triển khai mở rộng diện tích trồng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao (Séng Cù, Quạ đen, J02, TBR225…) mang lại giá trị kinh tế cao gấp 1,5 lần so với lúa thường; mô hình chuyển đổi đất vườn tạp, đồi núi thấp, kém hiệu quả sang trồng cây bưởi nhằm tăng giá trị trên một đơn vị diện tích, góp phần tăng thu nhập cho người dân; mô hình liên kết thành lập HTX nông nghiệp để giải bài toán thị trường…
Điển hình như mô hình trồng bưởi của đình anh Đặng Tiến Thông, dân tộc Dao, xã Tân Lập. Cách đây năm năm, gia đình anh là một trong những hộ cận nghèo của xã. Sau khi được đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở HTX bưởi Mường Động (Hòa Bình) và được xã hỗ trợ 50 triệu đồng vốn vay ưu đãi để cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế gia đình, anh Thông đã cải tạo gần một ha đất để trồng cây bưởi theo hướng hàng hóa, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn sinh thái. Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất, vườn bưởi nhà anh Thông phát triển mạnh, cho thu hoạch chỉ sau hai năm trồng và cho thu nhập cả trăm triệu đồng một năm.
Tại khu Bái – xã Đông Cửu, mô hình nuôi vịt suối của gia đình ông Hà Xuân Mai đang cho hiệu quả phát triển kinh tế hộ. Theo ông Mai, nuôi vịt suối cho thời gian xuất bán nhanh hơn, mỗi năm sẽ được khoảng ba lứa, mỗi lứa nuôi 200 con. Nuôi loại vịt này không tốn quá nhiều công chăm sóc và cơ bản lao động nông nhàn ở độ tuổi nào cũng chăm sóc được. Mỗi lứa xuất bán, trừ chi phí về giống, thức ăn, thuốc bảo vệ… cũng thu được số tiền tương đương với công nhân đi làm tại các khu công nghiệp, đặc biệt là không phải lo đầu ra bởi Hợp tác xã dịch vụ Bình An của xã đã nhận bao tiêu sản phẩm cho người dân. Mô hình nuôi vịt suối đã thu hút hơn chục hộ dân tham gia theo hướng thương phẩm và bước đầu phát huy hiệu quả, giải quyết việc làm, tăng nhu nhập cho người dân trong xã, từng bước giúp các hộ chăn nuôi xóa đói, giảm nghèo…
Với trên 45 nghìn ha đất lâm nghiệp, chiếm khoảng 73% diện tích tự nhiên, Thanh Sơn khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế đồi rừng, nhất là các xã, khu thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Đã có hàng trăm hộ dân mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế đồi rừng với quy mô lớn như gia trại, trang trại nông, lâm kết hợp, có những trang trại quy mô lớn cho thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng tại các xã: Cự Thắng, Sơn Hùng, Giáp Lai, Lương Nha, Địch Quả, Hương Cần, Võ Miếu, Thục Luyện…
Ông Nguyễn Quang Hải- Trưởng phòng LĐ,TB&XH huyện Thanh Sơn cho biết: Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn huyện nhằm tạo sinh kế cho người dân bằng việc hỗ trợ thông qua các mô hình sản xuất, phù hợp với nhu cầu, trình độ canh tác và thế mạnh của địa phương, phát triển mô hình giảm nghèo, giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng… sẽ là đòn bẩy giúp người dân vươn lên thoát nghèo.
Khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên
Với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều, huyện Thanh Sơn huy động tối đa các nguồn lực xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế và tăng cường các nguồn vốn hợp pháp để lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực trong thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia.
Đồng chí Phạm Tú – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn chia sẻ: Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, huyện đã tập trung rà soát, phân tích thực trạng, nguyên nhân từ đó đề ra những giải pháp tích cực nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và tiềm năng, lợi thế của huyện. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách, các nội dung, tiến độ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo để người dân hiểu rõ và đồng thuận trong việc triển khai thực hiện. Triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân nêu cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo, chống tư tưởng ỷ lại; hướng cho người nghèo có nhận thức đúng, sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội, biết tận dụng cơ hội để vươn lên thoát nghèo.
Nhằm giúp hộ nghèo, cận nghèo ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững, huyện Thanh Sơn chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn theo hướng đổi mới và nâng cao chất lượng, gắn với nhu cầu xã hội nhằm cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập cho người lao động.
Ông Nguyễn Quang Hải – Trưởng phòng LĐ,TB&XH huyện thông tin thêm: Từ năm 2021 đến nay, huyện đã tổ chức được 14 lớp đào tạo nghề trong chương trình mục tiêu cho trên 500 lao động nông thôn, tạo việc làm tăng thêm cho gần 2.000 lao động, số người đi xuất khẩu lao động gần 300 người…
Ngoài ra, nguồn chính sách hỗ trợ về tín dụng ưu đãi cũng đã giúp hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo vượt lên khó khăn, ổn định công ăn việc làm và thu nhập. Chị Ngô Thị Kim Thuý, thị trấn Thanh sơn là một trong những hộ dân được tiếp cận 50 triệu đồng vốn vay ưu đãi hỗ trợ việc làm để phát triển mô hình nuôi bò sinh sản. Chị Thúy chia sẻ: Ngoài sự nỗ lực quyết tâm của bản thân, gia đình còn được sự quan tâm ủng hộ, tạo mọi điều kiện tiếp cận vốn để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng từ phía cấp ủy, chính quyền địa phương.
Giai đoạn 2021 – 2025, huyện Thanh Sơn được thực hiện năm dự án thành phần (bẩy tiểu dự án liên quan) gồm: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình. Để chương trình giảm nghèo bền vững được triển khai sâu rộng, hiệu quả, huyện Thanh Sơn tiếp tục tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân về công tác giảm nghèo; kịp thời giới thiệu các cá nhân, tập thể, mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững; triển khai hiệu quả Phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”.