BVR&MT – Ngày 07-09, tại Hà Nội, Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam(VIFA) phối hợp cùng với Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới (Tropenbos VN) tổ chức Hội thảo Tác động của di cư và chuyển đổi đất rừng đến cảnh quan Rừng gắn với sinh kế cộng đồng ở vùng lưu vực sông SREPOK, Tây Nguyên: Thực trạng và các khuyến nghị chính sách.
Tham gia Hội thảo có ông Nguyễn Phú Hùng Chủ tịch Hội KHKT Lâm nghiệp Việt Nam (VIFA), ông Triệu Văn Bình Phó Vụ trưởng – Vụ Dân tộc (Văn phòng Quốc hội), PGS.TS. Vương Xuân Tình – Phó Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam và đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý tại Hà Nội và địa phương trong lĩnh vực Lâm nông nghiệp và môi trường tài nguyên đã về dự và đóng góp tham luận thiết thực cho Hội thảo.
Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; coi đây là một lĩnh vực quan trọng, đa mục tiêu, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa là dư địa để phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù có nhiều Nghị quyết, Chỉ thị nhưng chủ trương, chính sách về phát triển rừng vẫn chưa thực sự đem lại cuộc sống ấm no cho người dân, chưa trở thành động lực để phát triển kinh tế-xã hội ở những địa phương có quỹ đất rừng lớn.
Địa phương có nhiều rừng, người dân ở khu vực có rừng cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn và đang đặt ra nhiều vấn đề xã hội bức xúc cần giải quyết…
Vì thế hội thảo nhằm đánh giá thực trạng khó khăn trong sử dụng và quản lý rừng tại khu vực Tây Nguyên. Trong đó có những vấn đề nan giải như di cư tự do và xung đột, tranh chấp đất đai ảnh hưởng đến đời sống của bà con và sự phát triển kinh tế xã hội tại khu vực này. Đồng thời đưa ra các khuyến nghị chính sách
Bàn về khó khăn thách thức trong sử dụng và quản lý đất rừng tại Tây Nguyên ông Nguyễn Phú Hùng Chủ tịch Hội KHKT Lâm nghiệp Việt Nam đã nêu ra một số vấn đề bất cập như quy hoạch thiếu đồng bộ giữa các ngành (Lâm nghiệp, Nông nghiệp, Du lịch, Thủy điện…), giữa quốc gia và vùng; Quản lý quy hoạch bất cập, thường bị điều chỉnh do nhu cầu sử dụng đất để phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng nhất là ở địa phương. Quản lý đất Lâm nghiệp, giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang tồn tại rất nhiều khó khăn dẫn đến việc tranh chấp đất đai nhiều. Công tác xử lý tranh chấp chưa quyết liệt, dứt điểm. Ranh giới rừng trên bản đồ và thực địa chưa rõ ràng…
Bên cạnh những khó khăn trong quản lý sử dụng đất rừng thì vấn đề di cư tự do cũng đang cản trở rất lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh Tây Nguyên, ông Triệu Văn Bình cho biết: Dân cư tăng mạnh, liên tục trong nhiều năm làm vỡ quy hoạch, kế hoạch sắp xếp dân cư, sử dụng đất, phát triển kinh tế – xã hội; nảy sinh nhiều khó khăn trong quản lý hành chính, dân cư, sử dụng đất, bảo vệ phát triển rừng và môi trường, ổn định đời sống, phát triển sản xuất của các tỉnh Tây Nguyên.
DCTD đã mang đến những hệ lụy, tác động tiêu cực. Rừng bị tàn phá nghiêm trọng (chủ yếu là rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng vùng lõi các vườn quốc gia); đa dạng sinh học bị phá vỡ, nhiều loại thực vật, động vật quý hiếm bị xâm hại; môi trường sinh thái bị tác động, biến đổi, gây ra các hiện tượng thiên tai mới ở Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ (hạn hán, lũ quét, sạt lở).
Để khắc phục những khó khăn ông Triệu Văn Bình nhấn mạnh: Các địa phương chủ động thực hiện kiểm tra, rà soát, nắm chắc tình hình DCTD, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Nghiêm trị những hành vi phạm pháp (chặt phá rừng, buôn bán lâm sản, đất đai, chống đối người thi hành công vụ; xúi giục, tiếp tay cho các hoạt động trái pháp luật…). Giải quyết dứt điểm các vi phạm tồn tại kéo dài. Đặc biệt, tăng cường quản lý xã hội, nắm tình hình, giải quyết các vấn đề bức xúc tại các điểm nóng, các khu dân cư ngoài quy hoạch, ngoài dự án (nhất là các điểm DCTD tại Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng).
Đình Trà