BVR&MT – Trên những núi đồi cằn khô sỏi đá ở huyện vùng cao Quan Hóa đã hiện hữu màu xanh trù phú, bạt ngàn cây gai xanh, mắc ca, sâm Báo… mang theo khát vọng về một cuộc sống ấm no.
Manh nha những mô hình quy mô từ cơ sở
Đã nhiều năm trăn trở, tham gia nhiều mô hình tìm cách phát triển kinh tế nhưng thu nhập của gia đình anh Hà Văn Ướng (sinh năm 1973) ở thôn Chiềng (xã Nam Động), chẳng được cải thiện là bao, trong khi diện tích khu vườn sau nhà rộng cả héc-ta cũng chưa tận dụng được gì nhiều ngoài mấy gốc cây ăn quả và vài chục con gà. Là đảng viên, đã tự đi đến nhiều nơi tìm tòi, học hỏi, nhưng anh Ướng cũng chưa tìm được mô hình phù hợp với gia đình ít lao động. Mãi đến cuối năm 2021, được cán bộ xã giới thiệu, anh đã bàn bạc với vợ, rồi vay mượn thêm của người thân đầu tư xây dựng chuồng trại, hợp tác với Công ty CP Đầu tư phát triển AAT Group chăn nuôi gà lai chọi với quy mô 2.000 con/lứa.
Anh Ướng chia sẻ, hợp tác với doanh nghiệp để chăn nuôi quy mô lớn, ban đầu vợ chồng anh còn nhiều bỡ ngỡ do chăn nuôi truyền thống chỉ thả rông, không phòng dịch, nay phải tuân thủ các quy trình vệ sinh chuồng trại, phòng dịch, trong khi tiền mua thức ăn, giống lại phải thanh toán ngay cho công ty… “Thấy gia đình tôi tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gà, nhiều người trong bản chê bai. Nhưng có làm mới biết, nhờ tiêm phòng mà đàn gà mới khỏe mạnh, tỷ lệ sống và phát triển rất cao. Bởi vậy, lứa đầu tiên tôi đã có lãi gần 20 triệu đồng”, anh Ướng bộc bạch.
Thấy có lãi, từ tháng 7-2022, vợ chồng anh Ướng đã đầu tư mở rộng chuồng trại chăn nuôi 4.000 con gà/lứa. Anh dành hơn 500m2 để xây dựng chuồng trại, vườn cam được anh kết hợp làm sân chơi cho gà. Anh cũng tận dụng nguồn thức ăn sẵn có như ngô, sắn, rau chuối… thay thế một phần thức ăn công nghiệp, tiết kiệm chi phí đầu tư. Trong khi đó, công việc chăn nuôi chỉ cần mình vợ anh đảm đương. Anh Ướng cho biết thêm: “Gà nuôi lớn được doanh nghiệp đến thu mua đúng với giá ký kết trong hợp đồng, nên chưa lứa gà nào bị lỗ. Đã có rất nhiều hộ dân trong và ngoài xã đến tham quan mô hình chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả của gia đình tôi”.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Nam Động, ông Hà Huy Biến, ngoài mô hình chăn nuôi gà của gia đình anh Hà Văn Ướng, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp có quy mô lớn, như mô hình nuôi lợn đen, lợn lai lòi, mô hình trồng và chế biến măng hộc… Đây là kết quả của xã trong thực hiện Nghị quyết 05-NQ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Hóa về phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2022-2030 (gọi tắt là Nghị quyết 05-PV). “Thành công chung nhất trong những mô hình này là người dân đã thay đổi tập quán canh tác từ manh mún, nhỏ lẻ sang tập trung quy mô lớn, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và hợp tác với doanh nghiệp trong cung ứng giống, bao tiêu sản phẩm. Đây là những yếu tố tích cực, là nền tảng quyết định thành công của các mô hình, mang lại thu nhập cho người nông dân”, ông Hà Huy Biến khẳng định.
Theo ông Đỗ Phi Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Quan Hóa, từ khi Nghị quyết 05 của Ban Thường vụ Huyện ủy ra đời, đến nay trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp, bước đầu cho hiệu quả cao, như mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Trung Sơn (xã Trung Sơn); mô hình trồng cây gai xanh (các xã: Phú Sơn, Thành Sơn, Nam Xuân, Nam Tiến, Hiền Chung); mô hình trồng cây sâm Báo (xã Nam Tiến); mô hình trồng cây mắc ca (xã Thiên Phủ); mô hình nuôi gà, lợn đen, dê… Hầu hết những mô hình này đều có sự hợp tác của doanh nghiệp với người nông dân, nhằm đảm bảo chất lượng cây, con giống, kỹ thuật chăm sóc và thị trường tiêu thụ ổn định.
Nghị quyết hợp lòng dân
Đại hội Đảng bộ huyện Quan Hóa nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định chương trình trọng tâm về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Nhưng phát triển theo hướng nào cho đúng, trúng, phù hợp với thực tiễn, hợp với lòng dân, để người dân tham gia và có lãi là cả một bài toán không hề dễ dàng. Bởi trên thực tế, dù diện tích đất chưa sử dụng, vườn đồi tạp trồng cây giá trị kinh tế thấp trên địa bàn còn rất lớn, nhưng để người dân tham gia thực hiện mô hình lại là điều không đơn giản. Bởi trước đây đã từng có nhiều mô hình được xây dựng nhưng không duy trì được, mà nguyên nhân chủ yếu là do tính nhỏ lẻ, manh mún, chưa áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất, chưa chú ý đến khâu tiêu thụ, người nông dân không có lãi. Và khi chủ thể không có lãi thì mô hình bị khai tử là lẽ dĩ nhiên.
Tìm ra “nút thắt” trong phát triển nông nghiệp, Nghị quyết 05 của Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Hóa ra đời đã không lún sâu vào câu chuyện trồng cây gì, nuôi con gì. Thay vào đó, chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng gần dân, sát dân, đồng hành với người dân để tập trung chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ sản xuất truyền thống, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung, chất lượng, sạch, an toàn, phù hợp với điều kiện, tiềm năng, lợi thế của từng xã, thị trấn, có giá trị kinh tế cao, gắn với thị trường tiêu thụ ổn định. Và bản thân mô hình muốn thành công thì phải mang lại được thu nhập cả trong ngắn hạn và lâu dài cho người dân. Xác định được hướng đi đúng, thời gian qua các cấp ủy, chính quyền huyện Quan Hóa đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, chuyển biến hành vi của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhằm tập trung phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp, gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện cũng được phân công địa bàn phụ trách, tham gia sinh hoạt chi bộ các bản, khu phố để trực tiếp tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng chi ủy chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Khi tổ chức đưa Nghị quyết 05 vào cuộc sống, UBND huyện Quan Hóa đã tiến hành khảo sát điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, trình độ canh tác và nhu cầu của người nông dân ở từng xã, thị trấn, làm cơ sở để cơ cấu lại sản xuất, lựa chọn các mô hình kinh tế gắn với lợi thế của từng địa phương phù hợp với nhu cầu thị trường. Từ đó huyện đã xây dựng quy hoạch vùng cây trồng, vật nuôi để tập trung chỉ đạo thực hiện. Quan Hóa cũng tranh thủ tối đa các chính sách hỗ trợ của tỉnh cho phát triển nông nghiệp, như: Nghị quyết số 185/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025; Nghị quyết số 385/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ phát triển cây gai xanh nguyên liệu trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2023; hoặc nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ phát triển sản xuất. Đồng thời đấu nối, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, phối hợp tập huấn, cầm tay chỉ việc và bao tiêu sản phẩm cho người nông dân.
Trước đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Hóa cũng đã ban hành Quy định số 02-QĐi/HU ngày 29-7-2021 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bài trừ tư tưởng, tập quán lạc hậu. Trong đó yêu cầu người có chức vụ cao nêu gương cho người có chức vụ thấp; người có chức vụ thấp nêu gương cho người chưa có chức vụ; cán bộ, đảng viên nêu gương cho quần chúng Nhân dân phấn đấu vươn lên thoát nghèo, thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, bài trừ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, bài trừ tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang, mê tín dị đoan… Từ đó đã có rất nhiều cán bộ, đảng viên nêu gương vận động gia đình, người thân xây dựng các mô hình kinh tế cho người dân học tập, noi theo. Như tại xã Nam Động, Phó Chủ tịch UBND xã Vi Văn Nguyên đã vay vốn, xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi gà lai chọi với quy mô 5.000 con/lứa, kết hợp với chăn nuôi hơn 60 con dê. Do tận dụng được vật liệu sẵn có như tre, luồng mà chi phí làm chuồng trại của gia đình anh đã giảm được trên 100 triệu đồng…
Xác định đúng hướng, tập trung cao trong lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện bài bản, khoa học, Nghị quyết 05 ra đời đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và người dân huyện Quan Hóa đón nhận, hào hứng tham gia. Cũng vì thế mà chỉ trong một thời gian ngắn trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình có quy mô lớn, nhiều chỉ tiêu về diện tích cây trồng, tổng đàn vật nuôi trong năm của huyện đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Ví như năm 2022, Quan Hóa được giao trồng 21 ha cây gai xanh nguyên liệu, nhưng chỉ trong 9 tháng, huyện đã đạt 21,4 ha…
Dù ra đời từ tháng 6-2022, qua thời gian chưa dài, nhưng Nghị quyết 05 của Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Hóa đã tạo nên những đồi nương trù phú, bạt ngàn cây gai xanh, mắc ca, sâm Báo và những trang trại quy mô… Rồi nay mai, khi những mô hình tiếp tục được hoàn thiện, hình thành các chuỗi giá trị bền vững trong sản xuất, cung ứng, tiêu thụ nông sản thì cuộc sống của người dân ở huyện vùng cao biên giới Quan Hóa sẽ khác, giàu đẹp và khang trang hơn.