BVR&MT – Xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, là xã biên giới, có 75% dân số là đồng bào Khmer sinh sống. Từ khi có công an chính quy về tiếp nhận công tác tại địa phương, lực lượng đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả; xây dựng được các mô hình giữ gìn an ninh trật tự, nhờ đó cuộc sống của đồng bào Khmer nơi vùng biên này luôn được bình yên.
Xã biên giới Tân Lợi thuộc huyện miền núi Tịnh Biên, có đến 75% là đồng bào dân tộc Khmer. Do đó, ngoài nhiệm vụ giữ gìn an ninh an toàn an ninh trật tự xã hội nơi vùng biên, lực lượng công an xã Tân Lợi luôn chú trọng, giúp đỡ đồng bào vượt lên khó khăn, xây dựng ổn định cuộc sống.
Thiếu tá Nguyễn Thành Đạt, Trưởng Công an xã Tân Lợi, là một trong những công an chính quy được điều động về xã gần 3 năm nay cho biết, hầu hết cán bộ, chiến sĩ công an lúc mới về tiếp nhận công việc tại địa phương đều chưa thông thạo địa bàn, chưa biết tiếng dân tộc, đặc biệt là chưa am hiểu phong tục tập quán.
“Để tiếp cận làm tốt công việc, chúng tôi đã tăng cường xuống các ấp để nắm tình hình, tìm hiểu đời sống, tâm tư, nguyện vọng của người dân; tìm hiểu phong tục tập quán, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Khmer nơi đây, qua đó từng bước tạo được sự gần gũi, tin tưởng của đồng bào”, Thiếu tá Đạt chia sẻ.
Đồng thời, đơn vị cũng đã phối hợp cùng với cán bộ chính quyền địa phương, các tổ chức Hội nông dân, phụ nữ, phòng Dân tộc huyện, thường xuyên trao đổi thông tin, kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ khi bà con gặp khó khăn như, hướng dẫn đồng bào làm các thủ tục hành chính về đất đai, y tế, bảo hiểm; tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành chấp luật, chí thú làm ăn; xây dựng, triển khai các mô hình về an ninh trật tự, đảm bảo sự bình yên tại các phum, sóc như mô hình “Tiếng loa an ninh”; Camera an ninh; mô hình “Cảm hóa, giáo dục thanh thiếu niên chậm tiến”…
Như trường hợp anh Phúc, từng là thanh niên chậm tiến trong xã. “Lúc trước tôi hay theo mấy đứa trong xóm quậy quạng xóm giềng, cũng bị người ta ghét dữ lắm. Mấy anh Công an xã thấy mình vậy, cái đến gặp mình, khuyên là lo làm ăn, mấy anh mới giúp liên hệ xin cho vào làm chỗ khai thác đá. Từ đó đến nay, ngày cũng kiếm được từ 200 nghìn trở lên cũng lo được cho vợ con”, anh Phúc kể.
Còn anh Chau Quên, một hộ nghèo trong xã, được hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình. Anh Chau Quên không giấu được cảm xúc nói: “Tôi là người dân tộc Khmer sống trên đất này lâu năm, cái nghèo cứ theo, trồng cây gì cũng không hiệu quả. Hai năm nay, được mấy anh công an và Hội Nông dân huyện, tặng cây giống và hướng dẫn trồng hoa màu ngắn ngày để có thu nhập thường xuyên. Bây giờ thu nhập tốt nên tinh thần lao động hăng say lắm. Có hôm thu hoạch nhiều các anh còn đưa đi tiêu thụ giúp…”.
Tương tự, mô hình “Tiếng loa an ninh”, đang phát huy hiệu quả trong đời sống hằng ngày của đồng bào. Thời gian gần đây, đã giúp lực lượng và chính quyền địa phương rất nhiều trong việc vận động các hộ triển khai đồng bộ cấp căn cước công dân. Cụ thể, trước ngày thực hiện, các anh công an cho thu âm, thông tin về thời gian, địa điểm cấp thẻ bằng 2 thứ tiếng Kinh – Khmer vào điện thoại, kết nối vào thùng loa, sau đó được Công an xã chở chạy đi phát trong các phum, sóc cho đồng bào nắm.
Mô hình Camera an ninh cũng đang được đồng bào ủng hộ nhiệt tình. Mô hình đã được lực lượng Công an xã, vận dụng triệt để trong việc nắm bắt kịp thời thông tin, chi tiết để giải quyết các vụ va chạm giao thông nhanh chóng; hỗ trợ công an xã quản lý và nắm các diễn biến hoạt động của các đối tượng trộm, cướp giật trên các tuyến đường xã, các vụ đua xe trái phép…Nhờ vậy, mà tình trạng trộm cắp, gây mất an ninh trật tự; hay tình trạng vi phạm vi phạm giao thông trên địa bàn xã được đẩy lùi, góp phần giữ gìn sự bình yên cho xã biên giới Tân Lợi.