553 đại biểu tham dự Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI

BVR&MT – Chiều ngày 23/12, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Họp báo thông tin về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam, nhiệm kỳ 2020-2025.

Phát biểu tại Họp báo, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra trong 2,5 ngày, từ ngày 29-31/12. Hội nghị đảng viên và phiên trù bị Đại hội XI tổ chức tại hội trường Nhà khách La Thành; phiên chính thức Đại hội XI diễn ra tại Hội trường Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô.

Tham dự Đại hội sẽ có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương, một số địa phương và 553 đại biểu đại diện cho 27.448 hội viên sinh hoạt trong 288 đơn vị cấp Hội, 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 20 Liên Chi hội, 205 Chi hội trực thuộc Trung ương Hội; các đồng chí nguyên lãnh đạo Hội qua các thời kỳ, đại diện lãnh đạo một số cơ quan báo, đài và các cấp Hội Nhà báo; phóng viên, nhà báo tới dự, đưa tin về Đại hội.

Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Với phương châm “Đoàn kết – Kỷ cương – Đổi mới – Sáng tạo – Phát triển”, Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đại hội sẽ định hướng cho các cấp Hội Nhà báo Việt Nam và đội ngũ những người làm báo cả nước tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam; chung sức đồng lòng, ra sức phấn đấu xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu, nhân văn, vì lợi ích của đất nước và nhân dân, vì đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Đại hội lần thứ XI có nhiệm vụ: Kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Hội Nhà báo Việt Nam; đánh giá, tổng kết các hoạt động báo chí và hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ năm qua; đánh giá việc thực hiện những chủ trương, nhiệm vụ về công tác báo chí nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; xác định phương hướng, nhiệm vụ quan trọng cho nhiệm kỳ XI; thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới; thông qua Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 và Điều lệ Hội (sửa đổi, bổ sung); bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI (nhiệm kỳ 2020-2025).

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, trong nhiệm kỳ qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã tập hợp, đoàn kết được đội ngũ hội viên – nhà báo; tổ chức, động viên đội ngũ người làm báo tuyên truyền thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước, thành tựu to lớn và toàn diện của đất nước trên mọi lĩnh vực. Tổ chức Hội Nhà báo ngày càng phát triển, thu hút đông đảo người làm báo tự nguyện tham gia. Việc Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 43-CT/TW tiếp tục khẳng định sự quan tâm, tin tưởng của Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân đối với hoạt động Hội và người làm báo.

Các cấp Hội, các cơ quan báo chí đã chú trọng đổi mới công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, tiên phong thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về công tác thông tin, báo chí. Trong nhiệm kỳ qua, Hội Nhà báo Việt Nam đặc biệt chú trọng việc bảo vệ quyền làm nghề hợp pháp, quyền lợi chính đáng của hội viên nhà báo, nêu cao đạo đức nghề nghiệp…

Cũng trong chiều 23/12, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức cuộc trưng bày chuyên đề: “Hội Nhà báo Việt Nam: Một đội ngũ cách mạng, một sứ mệnh vẻ vang”.

Đây cũng chính là tên bộ phim tài liệu dài 30 phút lần đầu tiên về Hội Nhà báo Việt Nam đã được Bảo tàng Báo chí Việt Nam hoàn thiện và vừa được cấp có thẩm quyền thẩm định về chất lượng, nội dung để kịp trình chiếu rộng rãi trong những ngày tổ chức Đại hội XI và hướng tới kỉ niệm 72 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam.

Trưng bày gồm các tư liệu, hình ảnh quý về Hội Nhà báo Việt Nam trong 7 thập kỷ hình thành và phát triển. Trong đó có nhiều hiện vật, tài liệu gốc lần đầu tiên được công bố. Các hội viên, các nhà báo và công chúng cả nước sẽ có dịp xem phim và ôn lại những chặng đường lịch sử của đất nước, của báo chí nước nhà thông qua những kỷ vật nghề báo, những câu chuyện làm nghề trong những năm tháng làm báo gian nan, vất vả, nhiều mất mát, hy sinh nhưng cũng đầy vinh quang và tự hào… của các nhà báo, hội viên lớp trước.

Một số hiện vật tiêu biểu được trưng bày trong chuyên đề “Hội Nhà báo Việt Nam: Một đội ngũ cách mạng, một sứ mệnh vẻ vang” như: Sổ tay ghi chép của Nhà báo Nguyễn Tường Phượng; bộ ký giả của Chủ tịch Hội Xuân Thủy sử dụng tại Đại hội II năm 1959 và các cuộc tiếp khách đối ngoại những năm 1960; bộ bàn ghế mây của Nhà báo Hoàng Tùng; áo trấn thủ của Thiếu tướng Trần Công Mân, người đã có 25 năm giữ chức Phó Tổng biên tập và Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân do đồng nghiệp làm báo Bulgaria tặng; tài liệu họp báo quốc tế của phái đoàn ta tại Paris thời kỳ 1968-1973…