2018: Nâng độ che phủ rừng lên 41,6%

BVR&MT – Trong số 13 chỉ tiêu kế hoạch của năm 2017, độ che phủ rừng đã đạt kế hoạch đề ra là 41,45%. Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã có những chia sẻ về công tác bảo vệ, phát triển rừng hiện nay.

Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp – Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Đến thời điểm này độ che phủ rừng ước tính đạt 41,45%. Để có được kết quả này, ngành Lâm nghiệp đã triển khai những biện pháp gì thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Trị: Kết quả về độ che phủ rừng có được hiện nay là nỗ lực của toàn ngành và các địa phương trong suốt thời gian qua. Theo thống kê của chúng tôi, trong giai đoạn từ năm 2011 – 2016 việc giảm diện tích rừng chủ yếu do 3 nguyên nhân chính là: Phá rừng trái phép, cháy rừng và chuyển đổi diện tích đất rừng thành các dự án khác.

Từ những nguyên nhân này, chúng tôi cũng tập trung vào 3 nhóm biện pháp chính để giữ và tăng độ che phủ rừng đó là: Tăng cường công tác bảo vệ rừng và Phòng cháy chữa cháy rừng; rà soát và kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; và đẩy mạnh phát triển rừng

Đặc biệt, năm 2017 là năm đầu thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017). Tổng Cục Lâm nghiệp đã thực hiện nhiều nội dung tập trung vào thực hiện quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.

Với các biện pháp này, xin ông chia sẻ một số nội dung triển khai và kết quả cụ thể trong phát triển rừng?

Ông Nguyễn Quốc Trị: Trong năm qua, chúng tôi đã hướng dẫn các địa phương rà soát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đến năm 2020. Cùng với đó, Tổng cục đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 134/2016/QH13 ngày 09/4/2016 điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia.

Về kết quả thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tính đến cuối tháng 11 vừa qua, cả nước đã chuẩn bị được hơn 527 triệu cây giống các loại phục vụ cho trồng rừng năm 2017, trồng được hơn 193.000 ha rừng tập trung.

Theo nhìn nhận của ông có những chuyển biến gì trong công tác bảo vệ rừng trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Quốc Trị: Nhờ đồng bộ triển khai nhiều biện pháp tích cực, việc bảo vệ rừng cũng đã có nhiều chuyển biến tốt hơn. Theo thống kê của các địa phương trong cả nước, từ đầu năm đến ngày 30/11, cả nước đã phát hiện 15.439 vụ vi phạm, giảm 4.460 vụ so với cùng kỳ 2016 (giảm 22%). Theo đó, diện tích rừng thiệt hại là 1.405 ha, giảm 3.084 ha (69%) so với cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt, các hành vi, vụ việc vi phạm đã giảm cả về số lượng và quy mô.

Về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong năm 2017, cả nước đã xảy ra 176 vụ cháy rừng, giảm 311 vụ (64%) so cùng kỳ năm 2016. Diện tích cháy bị thiệt hại 352 ha, giảm 2.762 ha (89%) so với cùng kỳ năm 2016.

Về vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật: Theo thống kê cả nước đã phát hiện 6.237 vụ vận chuyển, mua bán trái pháp luật gỗ và lâm sản (so với cùng kỳ năm 2016 giảm 28%)…

Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5,5 đến 6,0%/năm; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42%, diện tích rừng các loại đạt 14,4 triệu ha.

Trở lại với các nguyên nhân gây giảm diện tích rừng là do việc chuyển đổi sử dụng đất để làm các dự án. Vậy Tổng cục Lâm nghiệp có biện pháp gì để hạn chế được nguyên nhân này nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế của các địa phương?

Ông Nguyễn Quốc Trị: Như tôi đã chia sẻ, có 3 nguyên nhân chính gây giảm diện tích rừng. Trong giai đoạn 2011 – 2016 theo chúng tôi ước tính việc giảm diện tích rừng do phá rừng trái phép chiếm khoảng 11%, cháy rừng khoảng 22% còn lại đến 67% là do việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng.

Vừa qua chúng tôi đề nghị các địa phương rà soát lại từng dự án liên quan đến đất lâm nghiệp của từng tỉnh để có báo cáo thống kê chính thức về số lượng dự án này. Trên cơ sở đó xem xét tính pháp lý và hiệu quả của các dự án. Danh sách các dự án này cũng là nguồn dữ liệu để Tổng cục Lâm nghiệp kiểm soát chặt các dự án, chúng tôi cũng sẽ gửi danh sách các dự án này đến các kiểm lâm vùng để phối hợp kiểm soát tại địa phương thường xuyên, liên tục hơn.

Cùng với đó, chúng tôi cũng liên tục đôn đốc tình hình thực hiện trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích khác và triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2017. Kết quả đến tháng 11 năm 2017, cả nước đã trồng 45.607 ha/67.975 ha, đạt gần 70% tổng diện tích phải trồng.

Xin ông chia sẻ một số kế hoạch của ngành lâm nghiệp trong năm 2018?

Ông Nguyễn Quốc Trị: Với phương châm bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có, nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, tăng giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích… chúng tôi đề ra mục tiêu trong năm 2018, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 41,6%; Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5,5% đến 6,0%; Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt từ 7,9-8,0 tỷ USD.

Về phát triển rừng, dự tính sẽ trồng mới 195.000 ha rừng và chuyển hóa 15.000 ha rừng trồng hiện có sang kinh doanh nguyên liệu gỗ lớn. Cùng với đó sẽ khoanh nuôi tái sinh 360.000 ha, trồng cây 50 triệu cây phân tán. Khai thác gỗ rừng trồng tập trung dự kiến đạt 18 triệu m3 trong năm 2018.

Riêng về thu dịch vụ môi trường rừng, chúng tôi dự kiến sẽ cán mốc 2.000 tỷ đồng.

Cảm ơn ông!