Si Ma Cai: Hiệu quả mô hình giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số

BVR&MT – Nằm cách trung tâm TP. Lào Cai hơn 100km theo hướng Đông Bắc, Si Ma Cai là một những huyện vùng cao có điều kiện kinh tế khó khăn nhất của tỉnh Lào Cai. Những năm qua, nhờ sự tích cực tuyên truyền phổ biến chủ trương, nghiêm túc thực hiện các chính sách hỗ trợ do Đảng và Nhà nước đề ra như Chương trình 30a, Chương trình 135… đặc biệt biệt, là Nghị quyết 22 – NQ/TU cuả tỉnh về việc giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn nên giờ đây, huyện Si Ma Cai đã vươn lên, trở thành địa phương dẫn đầu tỉnh Lào Cai trong công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân

Cây ăn quả ôn đới đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng cùng với sự hỗ trợ của các cấp lãnh đạo huyện trong công tác tuyên truyền vận động bà con thay đổi tư duy trồng trọt; tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng chính sách để mở rộng diện tích cây trồng, tham gia sản xuất hàng hóa cung ứng cho thị trường trong và ngoài huyện một số loại quả đặc sản như: mận Tả Văn, lê tai nung, sơn tra và các cây dược liệu như: lạc đỏ, tâm thất, đương quy…

Tính đến thời điểm hiện tại, diện tích cây ăn quả ôn đới trên địa bàn huyện là 832 ha. Trong đó, cây mận chiếm 306 ha, tập trung nhiều nhất tại xã Lùng Sui với 89,6ha cho thu hoạch đến năm 2020 là 70ha trên toàn xã, năng suất ước đạt 46 tạ/ha; lê tai nung có 269ha phân bố nhiều nhất tại xã Lử Thần với 42,9 ha cho thu hoạch là 26 tạ/ ha; tiếp đến là 31ha cây sơn tra nằm nhiều nhất tại Lử Thẩn với 8ha và một số giống cây ăn quả khác…

Đặc biệt, cây mận Tả Văn đã được UBND tỉnh Lào Cai ban hành quyết định số 1578/ QĐ – UBND, ngày 9/ 5/ 2017 về việc cho phép sử dụng địa danh “Si Ma Cai” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Mận Tả Văn Si Ma Cai”. Việc phát triển trồng cây lê, mận Tả Văn sẽ mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện, từng bước góp phần đẩy nhanh tiến độ xóa đói giảm nghèo, xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa gắn với bảo vệ môi trường để trở thành nền nông nghiệp phát triển bền vững .

Phát triển, mở rộng diện tích trồng cây tam thất tại huyện Si Ma Cai.

Trao đổi với phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, ông Trương Văn Tiến, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Si Ma Cai cho biết: “Cây ăn quả ôn đối sẽ là động lực thúc đẩy người dân, doanh nghiệp tích cực đầu tư chuyển đổi phương thức sản xuất từ tự phát, manh mún nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao, phát huy được thế mạnh của vùng. Hình thành các điểm mô hình trồng cây ăn quả ôn đới chất lượng cao tại những vùng có khí hậu đặc thù, đồng thời cũng là những điểm du lịch có cảnh quan hấp dẫn thu khách đến thăm quan, giao thương, học hỏi. Qua đó,cũng tích cực góp phần nhỏ vào  phát triển du lịch tỉnh Lào Cai nói chung”.

Trồng cây đương quy tại xã Sán Chải góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Phát huy thế mạnh chăn nuôi đại gia súc

Với nguồn lao động nông thôn dồi dào, trên 90% dân số sống bằng nghề nông nghiệp, diện tích đất nông nghiệp lớn, nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm dồi dào, phong phú… nên chăn nuôi gia súc trở thành nghề truyền thống lâu đời của các hộ nông dân. Hơn nữa, nhận định được chăn nuôi đại gia súc là thế mạnh to lớn nên chính quyền địa phương đã quan tâm, chỉ đạo sát sao và có nhiều chính sách khuyến khích phát triển, huy động nhiều nguồn vốn để đầu tư vào các hạng mục đã được phê duyệt như : Chương trình 135, Chương trình 30a, Nghị quyết 22 TQ- NU của Tỉnh ủy. Bởi vậy, trong gần 5 năm thực hiện, ngành chăn nuôi của huyện đã có bước chuyển biến rõ nét, hạn chế được việc thả rông gia súc; tăng thu nhập cho nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện.

Theo số liệu báo cáo của phòng Nông nghiệp huyện, tổng đàn gia súc ước tính đến nay là 44.030 con, tốc độ tăng trưởng đàn đại gia súc nhanh, bình quân 11,6%/ năm. Nói đến Si Ma Cai, không thể không nhắc đến việc phát triển chăn nuôi trâu tại đây. Đàn trâu nhiều, có tầm vóc tương đối lớn so với trâu được nuôi tại các vùng lân cận với số lượng là 15.360 con. Số lượng đang tăng dần theo từng năm. Ở Si Ma Cai, có chợ Cán Cấu là một trong những chợ buôn trâu lớn nhất miền Bắc. Theo lời thương lái trong chợ, đồng bào trong huyện có truyền thống mua trâu gầy về, sau đó, chăm sóc, nuôi dưỡng, vỗ béo cho mau lớn rồi lại mang ra chợ bán cho các thương lái tận dưới xuôi lên thu mua. Bởi vậy, nhiều hộ đã có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng từ mô hình này.

Bên cạnh những thành tựu đạt được nhưng Si Ma Cai vẫn còn đó những nỗi lo chất chồng. Đại diện lãnh đạo huyện, ông Tiến trăn trở: “Là huyện vùng cao , biên giới, địa hình núi đá độ dốc cao, khí hậu khắc nghiệt và còn rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, kỹ thuật, kết cấu hạ tầng và đời sống nhân dân. Bởi lẽ đó,nhiều gia đình chưa mạnh dạn trong việc thay đổi phong tục tập quán trong chăn nuôi để áp dụng các kỹ thuật canh tác vào sản xuất; hiện tượng thả rông gia súc, công tác bảo vệ môi trường nông thôn chưa được khắc phục triệt để. Việc phát triển cây ăn quả ôn đới thực tế chưa phát huy được thế mạnh của vùng. Diện tích trồng trọt còn manh mún, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thâm canh chưa được quan tâm thực hiện và còn đó câu chuyện về thu hút đầu tư, bao tiêu, tìm chỗ đứng cho sản phẩm”.

Xác định được điều đó, phía lãnh đạo huyện đã phân công, phân nhiệm tới từng cán bộ phụ trách, sát sao tới từng thôn, bản. Quan tâm đến sản xuất nông – lâm nghiệp trên địa bàn nhằm tạo thu nhập bền vững cho nông dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ và nhân dân, đặc biệt, là các hộ nghèo. Từ đó, làm thay đổi dần nhận thức của người dân, tránh trông chờ ỷ lại vào Nhà nước mà phải tự mình vươn lên làm giàu.

Đường bê tông nông thôn xã Thào Chư Phìn.

Những năm gần đây, nhiều hộ ở Si Ma Cai đã thoát nghèo như hộ gia đình ông Hảng Seo Mùa, Hảng Seo Sình, Hảng Seo Vần, Lừu Quang Vinh, Vàng Seo Vềnh…mỗi năm thu nhập từ trồng cây ăn quả, cây dược liệu thu về gần 100 triệu đồng/ năm. Công tác xóa đói giảm nghèo được đẩy mạnh, triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp. Do đó, tỷ lệ giảm nghèo nhanh từ 57,01% (năm 2015) xuống còn 16,35% (năm 2019); hộ nghèo 1.221/7.468 hộ, hộ cận nghèo 866/ 7.468 hộ, chiếm 11,6%. Trung bình mỗi năm giảm 10.15%, đạt cao hơn mục tiêu Nghị quyết đề mỗi năm giảm 7- 10%.

Những con số tuy còn khiêm tốn so với nhiều địa phương khác nhưng đó cũng là những tín hiệu đáng mừng. Điều đó cho thấy, Đảng bộ huyện Si Ma Cai đang đổi mới tư duy, phong cách lãnh đạo, thường xuyên quan tâm, đề cao vai trò và luôn chăm lo đến đời sống của người dân.

Quỳnh Anh