Quảng Nam: Bắt đối tượng cầm đầu trong đường dây buôn bán động vật hoang dã

BVR&MT – Lực lượng Cảnh sát Môi trường (PC 49) Công an tỉnh Quảng Nam cho biết vừa triệt xóa chuyên án ĐV- 0418 “buôn bán, nuôi nhốt, tàng trữ, vận chuyển động vật hoang dã trái phép”, bắt tạm giam đối tượng Phạm Thị Thuận (SN 1962, trú tổ 6, Thị Trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), là đối tượng cầm đầu trong đường dây buôn bán, nuôi nhốt, tàng trữ, vận chuyển trái phép động vật hoang dã quy mô lớn.

Đường dây này hoạt động hết sức tinh vi, có sự đối phó với cơ quan chức năng, số lượng động vật hoang dã buôn bán lớn và đối tượng tham gia liên tỉnh.

Qua công tác nắm tình hình, lúc 16h ngày 18/5/2018, lực lượng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Quảng Nam đã bất ngờ kiểm tra, bắt quả tang tại nhà của bà Phạm Thị Thuận, sinh năm 1960 trú Tổ 6, thị trấn Hà Lam đang tàng trữ trái phép số lượng lớn động vật hoang dã (ĐVHD). Kiểm tra trực tiếp tại đây lực lượng chức năng đã phát hiện gần 250 cá thể rùa, gần 100 cá thể rắn, 08 cá thể kỳ đà, 01 cá thể chồn hương được tàng trữ trái phép tại cơ sở. Đáng chú ý, trong đó có 13 cá thể rắn hổ chúa thuộc danh mục loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định số 160/2013/NĐ – CP của Chính phủ và nhiều cá thể rùa thuộc nhóm ĐVHD quý hiếm cần bảo vệ nguy cấp.

Cá thể động vật quý hiếm tại nhà bà Phạm Thị Thuận.

Theo khai nhận của bà Thuận, số ĐVHD trên được bà thu mua của người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và nhiều địa phương khác trong cả nước, sau đó tập kết đem đi tiêu thụ tại các tỉnh phía Bắc. Hoạt động mua bán trái phép ĐVHD của bà Thuận được tổ chức dưới vỏ bọc là lợi dụng giấy phép gây nuôi động vật rừng được cấp cho cơ sở ông Trần Văn Kinh là chồng bà Thuận và thực chất cơ sở này là do bà Thuận quản lý nên bà Thuận đã tổ chức mua bán trái phép ĐVHD ngay tại cơ sở trong một thời gian dài.

Được biết, tại cơ sở gây nuôi động vật rừng của vợ chồng bà Thuận đang được phép gây nuôi một số chủng loại động vật rừng gồm: cầy hương, don, gà đất sê pôn và rùa sa nhân, nhưng việc gây nuôi này chỉ nhỏ lẻ và chủ yếu là làm bình phong cho hoạt động mua bán trái phép ĐVHD.

Với tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Phạm Thị Thuận để điều tra mở rộng.

Đối với các cá thể ĐVHD, lực lượng Công an tỉnh Quảng Nam đã bàn giao cho các đơn vị chức năng giải cứu. Cụ thể 13 cá thể rắn hổ chúa được bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã TP. Hà Nội, các cá thể rùa bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã Vườn Quốc gia Cúc Phương và các cá thể ĐVHD còn lại được bàn giao cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam thả về rừng tự nhiên tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Sông Thanh của tỉnh Quảng Nam.

Minh Ngọc