Phú Diễn (Bắc Từ Liêm – Hà Nội): Hàng ngàn mét vuông ao hồ, đất nông nghiệp bị san lấp trái phép, chính quyền đang ở đâu?

BVR&MT – Thời gian gần đây, tại khu vực cuối ngõ 2 đường Phan Bá Vành thuộc địa bàn phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) đang diễn ra thực trạng san lấp ao hồ, đất nông nghiệp trái phép và sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích làm sân bóng mini để kinh doanh, thu lợi bất chính. Chính quyền sở tại cũng như quận Bắc Từ Liêm đang ở đâu?

Lời tòa soạn: Trước thực trạng các vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên còn diễn biễn phức tạp, xảy ra ở nhiều địa bàn, lực lượng chức năng chưa xử lý dứt điểm, tồn tại nhiều năm. Theo đó, ngày 14/01/2014, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị 04/CT-UBND về việc tăng cường công tác Quản lý Nhà nước đối với đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn thành phố.
Chỉ thị nêu rõ: Xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra thường xuyên, định kỳ, kịp thời xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là các trường hợp cho thuê đất công, đất nông nghiệp công ích, đất bãi bồi ven sông để sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp, các trường hợp tự chuyển mục đích sang xây dựng công trình nhà ở, sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp (bao gồm cả các trường hợp hộ gia đình, cá nhân thuê nhưng các cá nhân đã thành lập doanh nghiệp hiện đang sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp), đảm bảo tất cả các trường hợp vi phạm phải được lập hồ sơ và xử lý theo đúng quy định của pháp luật và được công khai.

Bên cạnh công tác quản lý đất đai, xây dựng, tài nguyên nước như ao, hồ, đầm cũng đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái, góp phần điều hòa không khí, phục vụ tưới tiêu, sản xuất và chống úng ngập cục bộ khi mưa lớn xảy ra. Theo đó, ngày 20/03/2023, TP Hà Nội phê duyệt và ban hành Quyết định 1614/QĐ-UBND phê duyệt danh mục 3.164 hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn thuộc 30 quận, huyện của thành phố Hà Nội và giao Sở Tài nguyên và Môi trường công bố danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp, đồng thời phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê, đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn thành phố theo quy định…
Mặc dù vậy hiện nay tại phường Phú Diễn, các cá nhân, tổ chức đổ trộm đất đá, phế liệu xây dựng xuống ao hồ, để san lấp lấy mặt bằng đầu tư xây dựng các công trình sai phép đã trở thành một “vấn nạn”. Việc sử dụng đất sai mục đích không chỉ gây ô nhiễm môi trường, làm suy giảm chất lượng đất, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ mà còn gây nhức nhối trong dư luận. Thông qua bài viết: “Phú Diễn – Bắc Từ Liêm (Hà Nội): Hàng ngàn mét vuông ao hồ, đất nông nghiệp bị san lấp trái phép, chính quyền đang ở đâu?” được phóng viên ghi nhận thực tiễn với những góc nhìn khách quan, đa chiều, khoa học chuyên ngành về nông lâm nghiệp, tài nguyên môi trường, hy vọng đây cũng là cơ sở để các cơ quan Quản lý Nhà nước, các cấp chính quyền, đơn vị, doanh nghiệp cũng như người dân trên địa bàn quân Bắc Từ Liêm cần nâng cao ý thức hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Ngang nhiên san lấp ao hồ, sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích

Khu vực diễn ra thực trạng nhức nhối trên nằm giáp ranh khu đô thị Thành phố giao lưu, cuối ngõ 2 đường Phan Bá Vành (phường Phú Diễn). Tại đây Phóng viên www.baovemoitruong.org.vn ghi nhận nhiều diện tích đất nông nghiệp, ước tính rộng hàng ngàn mét vuông, trong đó có nhiều ao, hồ, mương phục vụ tưới tiêu nông nghiệp và chống ngập úng khi có mưa lớn xảy ra.

Khu vực đất nông nghiệp trước đó là ao hồ đã bị các đối tượng san lấp bằng hàng ngàn mét khối trác thải.

Từ nhiều tháng nay, khu đất này đang bị các cá nhân, tổ chức hàng ngày sử dụng hàng chục chiếc xe chở phế thải, rác thải đổ vào để biến thành hàng ngàn mét vuông diện tích mặt bằng đã được san gạt, phần lớn diện tích ao hồ đã bị san lấp gần kín bề mặt.

Ngay kề bên là khu đất đất nông nghiệp rộng cả héc-ta cũng bị san lấp từ thời gian trước đó để làm hàng loạt sân bóng mini nhằm kinh doanh, thu lợi bất chính nhưng đến nay vẫn hoạt động rất rầm rộ. Theo một số người dân địa phương, hàng ngày có tới hàng trăm lượt khách đến để đá bóng và sử dụng các dịch vụ như uống nước, gửi xe… vô hình chung làm ảnh hưởng không nhỏ tới an ninh, trật tự trên địa bàn.

Hàng loạt sân bóng mini vô tư “mọc” trái phép trên đất nông nghiệp khiến dư luận không khỏi băn khoăn rằng nguồn lợi thu được sẽ “chảy” vào túi ai?

Cùng vơi đó, giáp Khu chung cư và nhà ở Phú Diễn nạn đổ trộm đất vẫn diễn ra từng ngày, để có bề mặt rộng hàng chục ngàn mét vuông như hiện nay, người dân khu vực này cho biết việc đổ đất, san gạt lấy mặt bằng đã diễn ra từ nhiều năm nay.

Chính quyền đang ở đâu?

Để thông tin về những bất cập trong công tác quản lý đất đai, tài nguyên mà cụ thể là việc san lấp ao hồ, đất nông nghiệp và sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích trên địa bàn một cách khách quan, đa chiều, phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường đã liên hệ UBND phường Phú Diễn và UBND quận Bắc Từ Liêm đặt lịch làm việc. Tuy nhiên, sau nhiều ngày chờ đợi vẫn không thấy các cơ quan trên phản hồi (?)

Những tấm biển cảnh báo “Khu vực nghiêm cấm đổ phế thải xây dựng, rác thải sinh hoạt” của chính quyền sở tại dường như vô tác dụng bởi thực tế thì các đối tượng đã san lấp chẳng chừa mét vuông nào.

Liên quan đến thực trạng trên, dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Thành Chung, Giám đốc Công ty Luật An Ninh, Đoàn luật sư TP. Hà Nội nhận định đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bảo vệ môi trường, để lại nhiều hệ luỵ khó lường, vì một khi ao hồ và đất nông nghiệp bị lấp đi thì gần như sẽ làm biến dạng, suy thoái đất, không thể khôi phục lại hiện trạng ban đầu, gây ảnh hưởng đến quỹ đất nông nghiệp Thủ đô nói chung cũng như mỹ quan đô thị và cuộc sống sinh hoạt của người dân.

Thiết nghĩ UBND quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội và các cơ quan chức năng có liên quan cần vào cuộc xác minh, làm rõ nội dung mà người dân phản ánh, báo chí nêu về thực trạng san lấp ao hồ, đất nông nghiệp trái phép và sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích làm sân bóng mini để kinh doanh, thu lợi bất chính đang diễn ra như một “vấn nạn” trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm để kịp thời xử lý nghiêm trước pháp luật đối với cá nhân, tổ chức (nếu có).

Luật Bảo vệ môi trường đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 23/6/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Tại Khoản 1, Điều 4 của luật này quy định rõ: Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân.
Tiếp đó, ngày 18/11/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, khoản 9 điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/11/2016, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Cụ thể như sau: Đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường dưới 1.000 kg, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng; từ 1.000 kg đến dưới 2.000 kg, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng… từ 100.000 kg trở lên, phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin…

Phóng viên BVR&MT