Phú Thọ: Thanh Ba xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo

BVR&MT – Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), với sự đồng thuận, thống nhất, sáng tạo, tích cực vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, Thanh Ba đã gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật trong công tác xây dựng NTM gắn với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững.

Sản phẩm chè búp tím Thanh Ba đã được UBND tỉnh Phú Thọ cấp chứng nhận OCOP 4 sao.
Thanh Ba hiện có 100% xã đạt chuẩn NTM, trong đó có hai xã Thanh Hà và Đồng Xuân được công nhận xã NTM nâng cao năm 2022. Huyện quyết tâm trong năm 2023 đạt chuẩn huyện NTM và có thêm hai xã là Đông Thành và xã Chí Tiên đạt chuẩn NTM nâng cao.

Phát huy những tiềm năng, lợi thế, huyện Thanh Ba đã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu nông lâm nghiệp và thủy sản, đưa các cây, con giống mới có năng suất, chất lượng hiệu quả cao, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích. Bên cạnh đó, huyện cũng đang tiếp tục quan tâm, tập trung hoàn thiện các tiêu chí về văn hoá – xã hội; đẩy mạnh đào tạo dạy nghề, tìm kiếm việc làm; thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội cho người dân, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo…

Đồng chí Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: Xây dựng NTM không phải là đích đến mà phải hiểu xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Đã đạt được thì phải tiếp tục giữ vững, nâng cao chất lượng tiêu chí. Cả hệ thống chính trị phải tiếp tục đề cao trách nhiệm về xây dựng NTM, coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, phải khẳng định vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Đặc biệt là phải nâng cao mức sống của người dân, cả vật chất và tinh thần, để đời sống người dân sung túc hơn.

Đồng chí cho biết: Hết năm 2022, thu nhập bình quân đầu người trên toàn huyện đạt 45,5 triệu đồng/người, giá trị sản phẩm bình quân/1ha đất canh tác nông lâm nghiệp và thủy sản đạt 110 triệu đồng; tỉ lệ đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa đạt 71%… Giai đoạn 2021-2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện trên 5.990 tỉ đồng; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn bình quân đạt gần 198 tỉ đồng/năm.

Tại xã Đỗ Xuyên, nhận thức được tầm quan trọng của xây dựng NTM gắn với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, thời gian qua chính quyền xã đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương để xây dựng, duy trì xã NTM. Phong trào đã thu hút sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong việc chung sức xây dựng NTM.

Đồng chí Nguyễn Hồng Quân, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong quá trình thực hiện tiêu chí giảm nghèo gắn với xây dựng NTM và NTM nâng cao, Đảng ủy, UBND xã đã ban hành các Nghị quyết, kế hoạch phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; tuyên truyền, vận động người dân dồn điền đổi thửa, tạo không gian cho sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng quy mô lớn và có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; chủ động rà soát hộ nghèo trên địa bàn để có kế hoạch, giải pháp cụ thể giao cho các tổ chức đoàn thể gắn thực hiện chương trình giảm nghèo với phong trào của hội, tạo điều kiện cho các hộ nghèo được vay nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế. Nhờ đó mà đời sống nhân dân từng bước được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 17 triệu đồng/năm (năm 2014) lên 47 triệu đồng/người (năm 2022). Hiện toàn xã còn 68 hộ nghèo, chiếm 2,17%; 108 hộ cận nghèo, chiếm 3,46%.

Không chỉ riêng xã Đỗ Xuyên mà các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thanh Ba đều nỗ lực duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM gắn với công tác giảm nghèo. Đến nay, huyện Thanh Ba đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện NTM. Hiện tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 5,77%, hộ cận nghèo còn 4,35% (tỉ lệ hộ nghèo đa chiều duy trì mức giảm hàng năm 0,45%/năm)…

Trong thời gian tới, huyện Thanh Ba tiếp tục tập trung thực hiện tốt hai khâu đột phá “Xây dựng kết cấu hạ tầng để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ” và “Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao”; huy động, lồng ghép các nguồn vốn từ các đề án, chính sách về phát triển kinh tế- xã hội, đào tạo nghề… để nâng cao các tiêu chí NTM làm cơ sở cho việc giảm nghèo nhanh và bền vững.