Lào Cai: Ngon lạ nấm rừng

BVR&MT – Trước đây, thi thoảng ở chợ phiên, chúng tôi gặp bà con vùng cao bán nấm hương rừng tươi, nấm mối tươi, nhưng đây là lần đầu tôi “mục sở thị” và được “thẩm” một loại nấm rừng thú vị.

Nấm xào lòng gà.

Ban đầu nhìn như lá khô, mốc thếch loang lổ, thoáng giống vết loang trên vỏ thân cây. Hỏi người bán, rất ít người biết tên nấm, chỉ biết rằng đó là một loại “tầm gửi” trên thân cây gỗ trong rừng già. Nhờ một người dân bản địa “phiên dịch”, tôi được biết, theo tiếng Mông, loài nấm này gọi là “chí chúng”, có người gọi là nấm chân chim. Theo chia sẻ của một phụ nữ người Mông bán nấm tại chợ phiên Mường Khương, người vùng cao thường chế biến món nấm này bằng cách băm ra đánh lẫn với trứng gà và rán hoặc xào với thịt lợn đen, thịt bò, lòng gà…

Tôi tò mò, đánh bạo mua vài bát “lộc rừng” về ăn thử. Sau khi rửa thật sạch, cắt phần chân nấm, cũng hơi cầu kỳ vì cây nấm nhỏ như cái cúc cáo, tôi thử xào với lòng gà và thưởng thức thì thấy mùi vị khá hấp dẫn. Không quá thơm như món nấm hương tươi, nhưng món nấm “tầm gửi” ăn dai hơn, bùi hơn và có mùi thơm phảng phất của thân gỗ. Vào mùa thu hái nấm, bà con mang ra chợ phiên bán rất nhiều. Không chỉ người dân bản địa mua về ăn, nhiều du khách khi trải nghiệm văn hóa chợ phiên cũng mua về ăn thử đặc sản vùng cao này.

Cũng vì có ít thông tin về loại nấm này nên tôi đã tìm hiểu qua bạn bè và được biết, người Mông ở Bắc Hà gọi là “pờ sấn”, dùng xào với ớt xanh bản địa ăn rất ngon. Còn cô Lìm Thu (ở thành phố Lào Cai) cho biết: Loại nấm này, theo tiếng Thái gọi là “hết vỉ”, đây là một trong những món ẩm thực độc đáo của dân tộc Thái. Bạn Hoàng Kim Anh ở Nam Cường (thành phố Lào Cai) cũng chia sẻ cách chế biến của người Giáy: Món nấm này có thể băm ra xào với trứng hoặc xào với thịt. Bạn tôi là Luyện Ngọc Tuấn ở thành phố Sơn La thì cho biết: Người Mông ở Sơn La gọi loại nấm này là nấm cánh chuồn, gọi tên theo tiếng Mông là “chi sài”. Người Mông ở Sơn La cũng chế biến rất đơn giản, gần giống với cách của người dân vùng cao Lào Cai, đó là dùng nấm nấu canh hoặc xào cùng thịt băm, cũng có thể xào với ngọn rau bí…

Nấm rừng được bày bán ở chợ phiên Mường Khương.

Dù chỉ là một loại nấm nhưng mỗi dân tộc lại có tên gọi khác nhau, tựu trung đó là một sản vật từ rừng được bà con thu hái, trở thành món ăn dân dã trong ẩm thực của đồng bào vùng cao. Loại nấm rừng thơm ngon, bổ dưỡng này thường được thu hái vào dịp cuối năm. Nấm “tầm gửi” cũng được xác định là sản phẩm ngoài gỗ. Bà con thường dùng bát ăn cơm đong nấm bán cho khách, mỗi bát nấm có giá 10.000 đồng. Tính theo trọng lượng đong bằng bát, mỗi 1 kg nấm có giá khoảng 200.000 đồng. Cùng với nhiều nông sản đặc hữu khác, món nấm “tầm gửi” đang làm phong phú nông sản chợ phiên, góp thêm màu sắc hấp dẫn trong bức tranh đa sắc của các chợ phiên vùng cao ở miền biên cương Lào Cai.

NGUỒNbaolaocai.vn
Tags: ,
CHIA SẺ