Với 08 đề án thành phần hỗ trợ cho 8 loài cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh Yên Bái gắn với việc thu hút, liên kết các doanh nghiệp có tiềm lực để tiêu thụ sản phẩm. Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; ngành lâm nghiệp tỉnh Yên Bái đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Các nhiệm vụ trọng tâm ngành lâm nghiệp khi triển khai đề án
Rà soát, quy hoạch xác định lại cơ cấu các loại rừng; tập trung đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng rừng; nâng cao giá trị gia tăng rừng; đầu tư xây dựng mới và mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng các vùng sản xuất hàng hóa lâm nghiệp tập trung đã được hình thành; thực hiện ba đề án: Phát triển cây quế, phát triển cây Sơn Tra, phát triển cây măng tre bát độ.
Kết quả
Nâng cao năng suất rừng tự nhiên là rừng sản xuất lên 20 – 25% so với các năm trước, tăng trưởng bình quân từ 4 – 5 m3/ha; nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng. Ổn định diện tích rừng trồng sản xuất hiện có, trong đó mỗi năm khai thác và trồng lại 15.000 ha, trữ lượng gỗ lớn 120-150 m3/ha và gỗ nhỏ 70-80 m3/ha;
Bình quân hàng năm toàn tỉnh khai thác và tiêu thụ được trên 450.000 m3 gỗ rừng trồng các loại; khai thác và tiêu thụ 96.000 tấn tre, nứa, vầu phục vụ chế biến trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra đã tiến hành khai thác, tiêu thụ được trên 10.800 tấn vỏ quế khô và chế biến tiêu thụ 300 tấn tinh dầu quế, trên 394 tấn nhựa thông và 100 ngàn tấn măng tre các loại;
Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng. Hàng năm đảm bảo gieo ươm bình quân trên 90 triệu cây giống các loại phục vụ cho trồng rừng. Đưa tỷ lệ giống cây trồng lâm nghiệp được kiểm soát chất lượng trước khi trồng rừng lên 73% vào năm 2017;
Tiến hành xây dựng, phát triển rừng trồng theo hướng quản lý rừng bền vững (FSC) để nâng cao giá trị gỗ khi xuất khẩu ra thị trường nước ngoài;
Tập trung đầu tư phát triển rừng trồng sản xuất, nhất là phát triển theo hướng kinh doanh gỗ lớn có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất cho tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp.
Bước đầu xây dựng chuỗi liên kết sản xuất Măng tre Bát độ và cây quế.
Thực hiện 3 đề án thành phần: Đề án phát triển cây măng tre Bát độ, Đề án phát triển cây Sơn Tra và Đề án phát triển cây Quế đã thực hiện theo đúng kế hoạch đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Đặc biệt, bước đầu tỉnh Yên Bái đã đưa được chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp tỉnh Yên Bái gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững còn gặp một số khó khăn, thách thức.
Một số đề xuất, kiến nghị
Về chính sách: Đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp xem xét cải cách các chính sách lâm nghiệp; đưa ra các Tiêu chuẩn ngành phù hợp với thực tế. Ban hành hướng dẫn kỹ thuật chuyển hóa rừng và trồng rừng thâm canh kinh doanh nguyên liệu gỗ lớn. Ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật chuyển hóa, trồng và chăm sóc rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn cho một số loài cây chủ yếu.
Hỗ trợ nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ Kiểm lâm về công tác xây dựng chuỗi liên kết giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Đồng thời, hỗ trợ các địa phương tiếp cận các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ hợp tác về vốn, kỹ thuật thực hiện xây dựng chuỗi liên kết giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; trồng rừng cây gỗ lớn…