BVR&MT – Năm 2019, ngành sản xuất, chế biến tôm phải đạt giá trị xuất khẩu 4,2 tỷ USD để kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thủy sản đạt mục tiêu 10 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2018, xuất khẩu tôm giảm gần 8%, chỉ đạt 3,55 tỷ USD. Vì thế, dù xuất khẩu tôm chiếm giá trị cao nhất nhưng tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu bị giảm từ 46% năm 2017 xuống còn 40% năm 2018.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, con tôm đã có 1 năm tăng trưởng không ổn định. Lý do là trong năm qua, ngành sản xuất và chế biến tôm gặp nhiều khó khăn khi chưa kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu, việc sử dụng hóa chất kháng sinh cấm trong chăn nuôi cũng như bơm chích tạp chất chưa được kiểm soát tốt.
Ngoài ra, sức cạnh tranh yếu khi giá tôm nguyên liệu của Việt Nam vẫn đang cao hơn các nước trong khu vực. Cùng với việc tăng giá các yếu tố chi phí đầu vào cũng ảnh hưởng đến giá thành và sức cạnh tranh của ngành chế biến tôm.
Theo đánh giá của VASEP, cả năm 2018, ngành thủy sản tăng 6% là tương đối thấp so với thực lực. Trong khi ngành này hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng 10-12%. Với các tiềm năng chưa phát huy hết cùng các lợi thế thương mại sắp tới, mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD là hoàn toàn có thể.
Năm 2019, mỗi ngành phải thực hiện mục tiêu riêng để đảm bảo mục tiêu chung. Trong đó 4,2 tỷ USD là “sứ mệnh” của ngành tôm. Việc hoàn thành mục tiêu của ngành tôm sẽ giúp ngành thủy sản tiến sát hơn mục tiêu 10 tỷ USD.