BVR&MT – Xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 9 tỷ USD, tăng 8,4% trong năm 2018. Trong đó, hầu hết các nhóm sản phẩm đều tăng so với năm 2017. Đây là thông tin được Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) được công bố tại Hội nghị Tổng kết năm 2018 và Triển khai nhiệm vụ năm 2019 chiều ngày 24/12 tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2018, ước tính giá trị sản xuất thủy sản đạt khoảng 228.139 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng sản lượng đạt khoảng 7,74 triệu tấn, tăng 7,2%, trong đó, sản lượng khai thác đạt 3,59 triệu tấn, tăng 6%; nuôi trồng đạt 4,15 triệu tấn, tăng 8,3%.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt khoảng 9 tỷ USD, tăng 8,4% trong năm 2018. Trong đó, cá tra đạt 2,26 tỷ USD, tăng 26,4%; tôm 3,58 tỷ USD, giảm 7,1% (tôm chân trắng 2,48 tỷ USD giảm 2,0%; tôm sú 810 triệu USD, giảm 7,8%); nhóm hải sản gồm cá ngừ 675 triệu USD, tăng 13,9%; cá khác 1,52 tỷ USD, tăng 15,5%, nhuyễn thể 785 triệu USD tăng 9,1%, giáp xác 145 triệu USD, tăng 23,0%.
Đặc biệt, mặt hàng cá tra ghi nhận có sự tăng trưởng phát triển vượt bậc từ kim ngạch xuất khẩu, diện tích nuôi 5.400 ha ( tăng 3,3% so với năm 2017), sản lượng 1,42 triệu tấn, tăng 8,4% so với năm 2017. Năm 2018, đã tổ chức thay thế 30.000 con đàn cá bố mẹ, chọn lọc giống được tăng cường. Do đó, chất lượng con giống cá tra đã từng bước được cải thiện, hoạt động sản xuất ương giống, nuôi cá tra thương phẩm đã cơ bản được kiểm soát nhằm ngăn ngừa tình trạng ồ ạt mở rộng diện tích nuôi cá tự phát từ năm 2017.
Về nuôi biển (cá biển, nhuyễn thể, tôm hùm, rong biển, cua ghẹ…) tiếp tục phát triển với diện tích khoảng 6.000 ha nuôi cá biển, sản lượng 32.000 tấn; nhuyễn thể 45.000 ha, sản lượng 320.000 tấn; tôm hùm 1.600 tấn, cua ghẹ hơn 60.000 tấn… Ngoài ra còn có hoạt động nuôi trồng thủy sản các loài có giá trị kinh tế cao như cá nước lạnh, cá rô phi, nhuyễn thể, tôm càng xanh, tôm hùm… tiếp tục phát triển ổn định, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị của ngành.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, ngoài bối cảnh chung, năm 2018, khu vực nông nghiệp cần phải tập trung hoàn thiện thể chế, tổ chức triển khai Luật Thủy sản 2017. Cạnh đó, chuyển từ nghề cá khai thác truyền thống sang nghề cá khai thác có trách nhiệm. Đây cũng là năm tái cơ cấu ngành khai thủy sản, với việc EU rút thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam. Cùng với đó là việc ứng phó, xử lý đối việc con cá tra bị đối xử bất bình đẳng, một số thời điểm con tôm đối diện tình trạng dư cung toàn cầu. Phấn đấu tiếp tục tăng trưởng ở khu vực khai thác và nuôi trồng…
Phân tích những yếu tố này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành thủy sản đã nỗ lực vượt qua thách thức, tập trung hoàn thành các nhiệm vụ cơ bản. Trong đó, hoàn thiện tiếp một bước về thể chế trong tinh thần hội nhập rất sâu và rất cầu thị. Hình thành một nghề cá phát triển bền vững với sự quyết tâm rất cao của cả hệ thống. Tập trung tái cơ cấu ngành. Xử lý tình huống duy trì và mở rộng sản xuất nhất là đối với con tôm và cá tra. Kết quả xuất khẩu tăng trên 8%, đạt trên 9 tỷ USD đã góp phần vào tăng trưởng chung của ngành.
Năm 2019, Tổng cục Thủy sản sẽ tập trung triển khai đưa Luật Thủy sản năm 2017 vào cuộc sống, tiếp tục phát triển ngành thủy sản bám sát định hướng phát triển theo Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam năm 2020, Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tái cơ cấu ngành thủy sản nằm trong Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…
Kế hoạch, mục tiêu cụ thể năm 2019 của ngành thủy sản là giá trị sản xuất tăng 4,25% so với năm 2018, tổng sản lượng thủy sản 7,9 triệu tấn (khai thác 3,6 triệu tấn, nuôi trồng 4,3 triệu tấn); kim ngạch xuất khẩu thủy sản phấn đấu đạt 10 tỷ USD.
Để đạt được những mục tiêu trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, Tổng cục Thủy sản cần phải tiếp tục đổi mới thể chế bộ máy. Rà soát đánh giá lại, sắp xếp hình thành nghề cá bền vững, hướng đến hội nhập. Xây dựng thiết chế phát triển hạ tầng cảng cá.
Thạch Thảo