BVR&MT – Tính đến hết tháng 9/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cùng các ngành, địa phương đã thanh kiểm tra 775 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 165 cơ sở, đơn vị với tổng số tiền xử phạt gần 4,3 tỷ đồng.
Theo Báo cáo của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy, trong năm 2019 các địa phương thuộc lưu vực đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tổng số 889 cơ sở, đơn vị, trong đó có 183 cơ sở vi phạm về lĩnh vực môi trường.
Riêng tại thành phố Hà Nội, tính đến hết tháng 9/2019, Sở TN&MT cùng các ngành, địa phương đã thanh kiểm tra 775 cơ sở, đã xử lý vi phạm hành chính 165 cơ sở, đơn vị với tổng số tiền xử phạt gần 4,3 tỷ đồng.
Để khắc phục tình trạng trên, Sở Xây dựng thành phố Hà Nội đã tăng cường tổ chức các cuộc thanh tra chuyên ngành và kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật đối với công tác đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng của một số dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Tính đến hết tháng 7/2019, Sở Xây dựng đã trực tiếp và chỉ đạo các Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị cấp huyện tiến hành kiểm tra 11.990 công trình, ban hành 681 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng (trong đó có các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường tại các công trường xây dựng) với tổng số tiền xử phạt trên 5,24 tỷ đồng.
Theo đại diện Ủy ban Bảo vệ Môi trường lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy, môi trường nước tại các đoạn sông chảy qua khu vực đô thị, khu vực có các hoạt động sản xuất hiện vẫn ô nhiễm chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh.
Nguồn nước thải sinh hoạt đổ ra sông Nhuệ – sông Đáy chiếm trên 65% các nguồn thải nhưng hầu hết đều không được xử lý và thải thẳng ra nguồn tiếp nhận và đi vào sông Nhuệ – sông Đáy.
Kết quả từ 4 đợt quan trắc năm 2019 cho thấy tình trạng ô nhiễm nước thể hiện rõ nhất trên dòng chính sông Nhuệ và thượng nguồn sông Đáy đoạn qua Hà Nội. Nguyên nhân của tình trạng trên là do chịu ảnh hưởng của các hoạt động sản xuất và dân sinh trên địa bàn.
Hoàng Tôn (tổng hợp)