BVR&MT – Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu trên tất cả mọi lĩnh vực, nông nghiệp hay kinh tế nông nghiệp cũng không đứng ngoài xu hướng này.
Đối với Sóc Trăng, sản xuất nông nghiệp được xác định là lĩnh vực kinh tế trọng yếu của tỉnh Sóc Trăng và liên quan đến sinh kế của hơn 70% dân số của tỉnh. Chính vì vậy, thực hiện chuyển đổi số theo Nghị quyết số 07 ngày 27/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV được xem là hướng phát triển tất yếu để xây dựng nền nông nghiệp thông minh, trách nhiệm và bền vững.
Là địa phương có thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian gần đây, chuyển đổi số đã được ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng triển khai mạnh đối với từng lĩnh vực cụ thể và bước đầu mang lại kết quả thiết thực trên các lĩnh vực ưu tiên.
Sóc Trăng hiện có trên 25.000 ha trồng cây ăn trái có chất lượng cao, tập trung nhiều tại các địa phương dọc theo Sông Hậu, như Long Phú, Kế Sách, Cù Lao Dung. Hàng năm khi vào mùa khô nắng hạn, những vườn cây ăn trái tại những khu vực này bị đe dọa nghiêm trọng khi nước mặn xâm nhập. Giải pháp phi công trình là canh tác thích ứng, chuyển đổi mùa vụ đối với cây trồng ngắn ngày, riêng vườn cây ăn trái thì giải pháp duy nhất là ngăn mặn, trữ ngọt. Vì vậy, nắm bắt diễn biến độ mặn trên sông để chủ động nguồn nước dự trữ là vấn đề được nhiều nhà vườn quan tâm.
Thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu để phát triển vùng trồng và phát triển cây ăn trái phù hợp, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã triển khai lắp đặt trạm kiểm soát độ mặn được đặt tại khu vực thị trấn Kế Sách. Thông qua hệ thống mạng cảm biến, diễn biến độ mặn tại một số tuyến sông chính sẽ được trạm kiểm soát đo đạc và hiển thị rõ trên màn hình điện thoại người truy cập.
Hiện nay, Kế Sách còn là địa phương điển hình của tỉnh Sóc Trăng khi phát huy tốt hiệu quả các tổ, nhóm zalo, cập nhập, thông tin, chia sẻ diễn biến xâm nhập mặn để nhà vườn chủ động tích trữ nước kịp thời, đúng lúc.
Ông Vũ Bá Quan, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách cho biết, hiện các trạm này giúp cung cấp diễn biến độ mặn chính xác, một cách trực tiếp và liên tục. Do đó, những nông dân có điện thoại thông mình và có cài ứng dụng đều có thể theo dõi được nồng độ mặn và lưu lượng nước trên sông. Từ đó, đưa ra dự đoàn và biện pháp quyết định sẽ lấy nước vào hay là ngưng lấy nước một cách kịp thời, an toàn và hiệu quả cho diện tích cây ăn trái của mình.
Thời tiết cực đoan do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu những năm gần đây còn khiến tình hình dịch hại trên cây trồng diễn biến phức tạp, đặc biệt là trên cây lúa. Trước thực trạng trên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành lắp đặt 7 hệ thống giám sát sâu rầy thông minh tại nhiều huyện, thị trên địa bàn tỉnh.
Việc sử dụng hệ thống bẫy đèn thông minh giúp thay thế con người hoàn toàn trong việc đếm số lượng côn trùng hàng ngày thông qua hệ thống Camera hiện đại, có khả năng nhận diện 75 loại côn trùng khác nhau. Mỗi khoảng thời gian nhất định, hệ thống sẽ cập nhật số liệu một lần và được hiển thị trên App “MEKONG” từ 18h tối hôm trước đến 5h30 phút sáng hôm sau.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, cán bộ kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng thông tin, đối với mỗi bẫy đèn gồm có 3 phần, gồm bẫy đèn đặt tại ruộng, hệ thống xử lí trung tâm, app thể hiện số liệu ghi nhận được tại bẫy đèn.
Cụ thể là bẫy đèn được đặt tại ruộng sẽ phát sáng và thu hút côn trùng, sau đó ghi nhận hình ảnh bằng camera và gửi về hệ thống xử lý trung tâm. Tại hệ thống xử lý trung tâm sẽ thực hiện đếm số côn trùng, xử lý các dữ liệu có liên quan. Tất cả dữ liệu phân tích được sẽ được xuất theo dạng số liệu hoặc biểu đồ, trong đó; thể hiện rõ số lượng côn trùng, nhiệt độ, độ ẩm… Tất cả thông tin ghi nhận được sẽ được tải lên app để nông dân nắm rõ khi điện thoại đã cài đặt phần mềm.
Cùng với việc áp dụng công nghệ trong trồng trọt, để thúc đẩy mạnh hơn hoạt động tiêu thụ, quảng bá sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, mới đây, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Sóc Trăng đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức 2 gian hàng hội chợ triển lãm trực tuyến trên nền tảng số là báo VnExpress và Agroviet.com.
Trên gian hàng điện tử, các sản phẩm cũng được quảng bá đầy đủ hình ảnh, thông tin về sản phẩm như khi triển lãm truyền thống. Đây được xem là giải pháp mang tính đột phá, tạo tiền đề cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong nông nghiệp, thúc đẩy kết nối, tiêu dùng nông sản, đáp ứng tốt yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong giai đoạn hội nhập.
Theo Tiến sĩ Trần Tấn Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, việc chuyển đổi số sẽ tiếp tục được ngành nông nghiệp triển khai mạnh mẽ, quyết liệt hơn theo hướng “đa hình thức, đa lĩnh vực” để mang đến giá trị cao hơn cho sản phẩm nông nghiệp của bà con nông dân nói riêng và sự tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh nói chung.
Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng hiện trạng sản xuất nông, lâm, nghiệp, thủy sản của tỉnh theo từng đơn vị sản xuất, thực hiện định vị các trang trại, doanh nghiệp, các hợp tác xã, tổ hợp tác.
Cùng đó, định vị được cơ sở hạ tầng nông nghiệp, từ đó kết hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành để hình thành hệ thống bản đồ nông nghiệp số của tỉnh theo hình thức trực quan.
Ngoài ra, sử dụng ảnh vệ tinh kết hợp với thiết bị cảm ứng và những phần mềm chuyên dụng để theo dõi diễn biến sản xuất nông nghiệp, từ đó có sự điều chỉnh, so sánh, hiệu chỉnh, hình thành được cơ sở dữ liệu theo không gian và thời gian, để cùng tích hợp lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
Mặc dù triển khai thực hiện chưa lâu nhưng có thể thấy, chuyển đổi số đã từng bước định hướng cho người nông dân việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm để đạt hiệu quả cao hơn trong sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh cho nhiều sản phẩm, giảm chi phí và tiết kiệm công sức lao động.
Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi từ tư duy nông nghiệp đơn thuần sang tư duy kinh tế nông nghiệp mà ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã và đang hướng đến là phát triển tư duy kinh tế nông nghiệp và phát triển một nền nông nghiệp bền vững.