BVR&MT – Đến nay, cả nước có hơn 2.650 xã, 34 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Mục tiêu đặt ra là đến hết năm 2017, toàn quốc có khoảng 2.765 xã và 38 huyện đạt chuẩn NTM.
Trên thực tế, xây dựng NTM cấp xã đã khó, xây dựng NTM cấp huyện còn khó khăn hơn nhiều. Bởi vì, bên cạnh việc thực hiện đầy đủ chín tiêu chí, bao gồm: quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, y tế – văn hóa – giáo dục, sản xuất, môi trường, an ninh, trật tự xã hội và có ban chỉ đạo, huyện NTM còn bắt buộc phải có tất cả số xã trong huyện đạt chuẩn NTM.
Hiện nay, tốc độ đô thị hóa đang diễn ra khá nhanh ở nhiều địa phương, do vậy việc xây dựng huyện NTM gắn với quá trình đô thị hóa là tất yếu. Đây cũng là yêu cầu mới đặt ra đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho phù hợp thực tiễn phát triển. Xây dựng NTM trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện nhằm hình thành khu vực dân cư và cơ sở hạ tầng phù hợp tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tái cơ cấu nông nghiệp và thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, từng bước tạo điều kiện, môi trường sử dụng mức cao nhất lực lượng lao động trên địa bàn huyện. Mặt khác, xây dựng NTM trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện nhằm định hướng quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường và các dịch vụ xã hội phù hợp định hướng đô thị hóa, nhằm từng bước chuẩn bị cho việc hình thành đô thị trên địa bàn, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư. Do vậy, yêu cầu đặt ra là, xây dựng huyện NTM cần phù hợp lộ trình, giai đoạn nâng cấp lên đô thị theo mục tiêu phát triển kinh tế ở mức cao nhất, sử dụng đất đai hiệu quả, có kế thừa, tránh đầu tư lãng phí trong quá trình đô thị hóa.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 676/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng NTM trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017-2020. Theo đó, yêu cầu các địa phương tập trung phát triển hệ thống hạ tầng xã hội, dịch vụ thương mại trên cơ sở hoàn thiện các giải pháp về quy hoạch, đầu tư và hoàn thiện các cơ chế, chính sách. Đến năm 2020, 56% tổng số xã trên cả nước đều có chợ đạt chuẩn NTM; từng bước xã hội hóa việc cung cấp các dịch vụ công cho sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Mặt khác, phát triển giao thông vận tải trên địa bàn huyện một cách bền vững, tạo sự liên kết thông suốt từ mạng lưới giao thông quốc gia đến các địa phương, giữa các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn, vùng nguyên liệu với các cụm công nghiệp chế biến, tạo sự kết nối giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ, kết hợp giữa kinh tế với an ninh, quốc phòng. Cải tạo và phát triển đồng bộ hệ thống lưới điện, bảo đảm đủ điện phục vụ sản xuất nông nghiệp; nâng cao chất lượng nước sinh hoạt của dân cư nông thôn. Đối với cơ sở hạ tầng tại các huyện có tốc độ đô thị hóa cao, cần rà soát, tính toán việc áp dụng các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật của đô thị nhằm tận dụng cơ sở hạ tầng được đầu tư trong quá trình xây dựng NTM để phát triển đô thị…
Chỉ còn hơn ba năm để hoàn thành việc thực hiện đề án nêu trên, với một khối lượng công việc lớn, đòi hỏi quy hoạch đồng bộ, bền vững. Do đó, các địa phương cần khẩn trương thực hiện trên nguyên tắc phát huy tính chủ động, sáng tạo trong lập quy hoạch, kế hoạch thực hiện, tích tụ, tập trung đất đai, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, tái cơ cấu nông nghiệp… để mục tiêu đặt ra đạt kết quả cao.